Sáng 27/3, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB và và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản - đã ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% cổ phần VPBank.
Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, SMBC Group chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
SMBC là ai?
Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC Group - SMFG) là một tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia của Nhật Bản. Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho nhiều đối tượng khách hàng, bao gồm các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn lớn, các tổ chức tài chính và các đơn vị thuộc khu vực công.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn này thời điểm cuối năm 2020 lên đến 219.863 tỷ JPY ( tương đương 2.020 tỷ USD) trong đó tổng nợ phải trả chiếm tới 95% ở mức 209.078 tỷ JPY (tương đương 1.921 tỷ USD).
SMBC Group hiện là tổ chức ngân hàng lớn thứ hai về tổng tài sản và vốn hóa thị trường ở Nhật Bản. Tập đoàn là một trong ba tổ chức ngân hàng lớn nhất (megabank) cùng với MUFJ Financial Group và Mizuho Financial Group, thống trị thị phần Hệ thống tài chính của Nhật Bản.
Công ty con cốt lõi của SMBC Group là ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). SMBC được thành lập nhờ sự sát nhập của Ngân hàng Sumitomo và Ngân hàng Sakura vào tháng 4 năm 2001. Ngân hàng Sumitomo là một ngân hàng lớn của Nhật Bản được thành lập vào năm 1895; Ngân hàng Sakura là hậu duệ của Ngân hàng Mitsui, một ngân hàng lớn khác của Nhật Bản được thành lập vào năm 1876 nhưng hoạt động từ năm 1683 khi Mạc phủ Tokugawa cấp phép cho Mitsui Takatoshi làm người đổi tiền.
SMBC Group hoạt động tại hơn 40 quốc gia và duy trì sự hiện diện trong tất cả các trung tâm tài chính quốc tế. Tập đoàn đã và đang cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng đồng thời hỗ trợ cho nhiều dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam với tổng giá trị khoảng 20 tỷ USD.
Loạt thương vụ đầu tư tài chính vào Việt Nam gây nhiều tổn thất, tranh cãi
Trước thương vụ với VPBank, SMBC đã từng tham gia nhiều thỏa thuận đầu tư quy mô lớn với các công ty tài chính lớn của Việt Nam. Tuy vậy, trong tình hình nhiều biến động, không phải thương vụ nào cũng đem lại kết quả lợi nhuận khả quan.
Thương vụ đầu tư lâu năm nhất của SMBC là với Eximbank. SMBC trở thành cổ đông chiến lược của Eximbank từ 2007 sau khi chi khoảng 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ Eximbank. Tuy nhiên, Eximbank rơi vào một cuộc chiến quyền lực giữa nhiều nhóm cổ đông trong nhiều năm.
Năm 2019, SMBC rút đại diện khỏi Eximbank và dần chuyển hướng đầu tư vào FE Credit và VPBank. Giữa tháng 1/2023, SMBC đã có thông báo quyết định chấm dứt liên kết vốn với Ngân hàng Eximbank sau 15 năm hợp tác. SMBC đã bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB cho nhà đầu tư trong nước vào 13/1 và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại EIB xuống dưới 5%. Bình quân, mỗi cổ phiếu EIB trong tài khoản của SMBC có giá hơn 20.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với thị giá EIB năm 2008 (70.000 đồng/cổ phiếu).
Bên cạnh Eximbank, SMBC đã từng rót tiền vào lĩnh vực tài chính ở Việt Nam với thương vụ đầu tư vào Tập đoàn Bảo Việt (BVH).Nếu như tại thương vụ Eximbank, khoản đầu tư của SMBC thua xa lãi gửi tiết kiệm, thì tại thương vụ Bảo Việt, SMCB đã thua lỗ nặng.
Cuối năm 2019, SMBC chi thêm 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua thêm hơn 41,4 triệu cổ phần BVH, nâng tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng Nhật Bản này tại Bảo Việt lên 22,09%. Khi đó, giá bình quân mỗi cổ phiếu BVH mà SMBC mua vào lên tới 96.817 đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó giảm mạnh. Hiện cổ phiếu BVH còn khoảng 48.500 đồng/cp, chỉ còn khoảng 50% so với thời điểm SMBC đầu tư.
Việc thoái vốn của SMBC tại Eximbank không quá gây ngạc nhiên vì cổ đông ngoại này đã "ngắm" đối tác khác để rót vốn. Ngày 28/4/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiến hành ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho đối tác Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản. Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này. Vào thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỷ USD. Được biết, khoản đầu tư vào FE Credit là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á của tập đoàn.
Tuy vậy, với thương vụ FE Credit, tình hình hiện nay cũng không mấy khả quan khi tình hình doanh nghiệp này vài năm gần đây không còn được như trước. Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán VCBS cho biết, năm 2022, FE Credit ghi nhận lỗ 3.121 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc nợ xấu tăng nhanh.
VCBS cho rằng việc số dư cho vay của FE Credit mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác. Dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FE Credit và dự báo có thể tiếp tục lỗ trong năm nay, trước khi quay trở lại có lãi vào năm 2024.
Trước đó, trong năm 2021, FE Credit báo lãi trước thuế hơn 600 tỷ đồng. Thời hoàng kim, có năm FE Credit báo lãi tới hơn 3.700 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực công nghệ, gần đây nhất vào tháng 11/2022, SMBC thông báo đầu tư 240 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Mạng lưới Thông minh (SmartNet). Thành lập từ năm 2015, SmartNet cung cấp giải pháp thanh toán tại Việt Nam với trọng tâm là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, SmartNet còn cung cấp dịch vụ trung gian giới thiệu sản phẩm tín dụng và các dịch vụ khác (khoản vay cá nhân, mua trước trả sau, v.v…) và có mối quan hệ kinh doanh mật thiết với FE Credit. Với khoản đầu tư này, SMBC Group muốn đẩy nhanh chiến lược tăng trưởng trong khu vực châu Á thông qua thúc đẩy hoạt động kinh doanh của FE Credit và đóng góp tích cực vào sự phát triển của hệ sinh thái VPBank.
Lấn sân đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam
Dù là tập đoàn tài chính, nhưng khi vào Việt Nam, SMBC vẫn không quên lựa chọn những phân khúc "nóng" trên thị trường bất động sản.
Năm 2019, SMBC bắt tay với Tập đoàn BRG thành lập liên doanh để triển khai dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội nằm trong quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD đã chính thức động thổ vào tháng 10/2019.
Hiện tại, Covid-19 xảy ra khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao, dòng vốn FDI có xu hướng chảy về những nơi ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhất. Việt Nam là một trong những điểm sáng. Vì vậy, nhiều tập đoàn lớn chọn Việt Nam là nơi "đại bàng làm tổ". Kết quả là bất động sản khu công nghiệp "nổi sóng".
Nhưng trước khi bất động khu công nghiệp trở nên có giá, SMBC đã đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2019, SMBC đạt được thỏa thuận với tỉnh Hưng Yên về việc phát triển giai đoạn 3 để mở rộng khu công nghiệp Thăng Long II tại huyện Yên Mỹ và Mỹ Hào. Vì vậy, Tập đoàn bày tỏ ý muốn rót thêm 3.000 tỷ đồng vào đây.
Tới tháng 10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã trao bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với SMBC và Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long II liên quan đến thực hiện mở rộng giai đoạn 3 khu công nghiệp Thăng Long II.
Ngoài ra, SMBC còn đầu tư vào Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (vốn đầu tư 2,58 tỷ USD). SMBC đã theo đuổi dự án này suốt 12 năm. Không chỉ có vậy, SMBC chi khoảng 4 tỷ yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Công ty cổ phần Gemadept.