Vẫn 'bất lực' trước tiền ảo?

Theo Kinh tế Sài Gòn

Các cơ quan chức năng nhận định, việc quản lý tiền ảo vẫn là bài toán khó, trong khi đó các đồng tiền ảo “rác”, sàn giao dịch tiền ảo không phép lại mọc lên như nấm, tiếp tục giăng bẫy người tham gia.

Sàn giao dịch chui ngày càng tràn lan

Bitcoin vượt mốc 20.000 USD vào giữa tháng 12/2020 và nhiều đồng tiền ảo khác cũng tăng giá đã không chỉ làm cho giới đào, mua bán tiền ảo xôn xao. Ngay cả những người không biết gì về Bitcoin thời điểm đó cũng đổ xô tham gia các sàn giao dịch tiền ảo với hy vọng làm giàu nhanh chóng.

Hàng loạt sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch Forex chưa được cấp phép cũng như các sàn tiền ảo lừa đảo cùng các nhà môi giới bỗng nhiên xuất hiện, lôi kéo nhiều người tham gia chơi với những lời dụ dỗ “có cánh” như kiếm vài ngàn USD mỗi ngày, tậu được nhà, xe hơi chỉ sau 6 tháng…

Một sàn tiền ảo núp bóng sàn Forex cho người chơi tham gia giao dịch mua bán Bitcoin.
Một sàn tiền ảo núp bóng sàn Forex cho người chơi tham gia giao dịch mua bán Bitcoin.

Liên tục trước và sau Tết Nguyên đán các sàn tiền ảo đa cấp lừa đảo núp bóng dưới dạng sàn Forex cùng những kẻ môi giới đã liên tục chào mời, quảng cáo trên khắp mạng xã hội, diễn đàn… Nhiều người đã gom tiền đưa cho các nhà môi giới của những sàn này để đăng ký tài khoản giao dịch.

Đặc trưng của những sàn đa cấp này là khi người chơi đăng ký và thực hiện bất kỳ giao dịch nào thì nhà môi giới đều được hưởng hoa hồng. Người chơi sẽ tự đặt lệnh hay có người đọc lệnh để đánh và được cam kết sẽ có lời nhanh chóng. Thế nhưng càng đánh thì các nhà đầu tư càng lỗ và tiếp tục nạp tiền thì vẫn thua lỗ. Kết quả là người chơi mất trắng còn nhà môi giới thì “im hơi lặng tiếng”.

Bên cạnh đó nhiều người còn đổ xô vào các sàn tiền ảo quốc tế những chưa được cấp phép tại Việt Nam để tham gia mua bán Bitcoin, Ethereum… Các sàn này khác với các sàn đa cấp lừa đảo là có thật, giao dịch thật, tiền thật.

Tuy nhiên tham gia giao dịch trên các sàn này không hề dễ dàng vì giá trị các đồng tiền như Bitcoin, Ethereum… biến động giá rất lớn, nếu không có kiến thức giao dịch, nhận định thị trường thì sẽ thua lỗ nặng.

Ông Trần Hưng, một người đào Bitcoin tại TP HCM cho biết: “những người chưa biết gì hay chưa tìm hiểu kỹ về Bitcoin, tiền ảo thì khi tham gia giao dịch chắc chắn sẽ “cháy” tài khoản rất nhanh.

Vì thị trường này biến động liên tục, khó lường nên không dễ có lời. Việc sau vài ngày mất trắng vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn USD là chuyện xảy ra thường xuyên với những người mới chơi trên các sàn tiền ảo này”.

“Coin rác” vét sạch túi nhà đầu tư

Bên cạnh các sàn tiền ảo chui, sàn tiền ảo đa cấp xuất hiện khắp nơi thì thời gian qua hiện tượng các “nhà đầu tư” đổ xô mua bán các loại tiền ảo “rác” (coin rác hay tiền ảo giá trị cực thấp, không có giá trị) cũng bùng lên.

Sau khi Bitcoin liên tục tăng giá vượt mốc 20.000 USD cuối 2020 và ngày càng tăng lên thì nhiều người tại Việt Nam cũng đổ xô đi mua các loại tiền ảo khác với hy vọng “đổi đời” như Bitcoin.

 

Đến nay, văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo chưa được ban hành nên Bộ Tư pháp cho biết chưa có cơ sở để đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tiền ảo.

Bộ Công an cũng chưa có cơ sở để đề xuất biện pháp phòng chống, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động này.

Hàng loạt người chơi đã đổ tiền mua các loại tiền ảo dạng đa cấp như GEM, WIN, BTCV, DRK, BKC… xuất hiện trên các sàn giao dịch không biết từ đâu ra.

Đặc điểm của các loại tiền ảo này là chỉ giao dịch được trên các sàn nội bộ, người mua phải nạp tiền USD hay Bitcoin vào để đổi sang các loại tiền ảo này để giao dịch.

Các loại tiền ảo này liên tục tăng giá (do các chủ sàn tự điều chỉnh) để thu hút người mua. Sau một thời gian thì bất ngờ giảm giá thảm hại hay thậm chí “sập sàn” khiến nhiều người coi như mất trắng.

Bên cạnh các loại tiền ảo đa cấp thì các loại tiền ảo “rác” giá trị thấp, cực thấp (thực chất chỉ là những token do sàn, công ty nào đó phát hành) cũng thu hút rất nhiều người vào mua với hy vọng ngày nào đó giá trị sẽ tăng cao như Bitcoin.

Đặc trưng của các loại tiền ảo này là đã lên sàn, có giá trị dưới 1 USD hay chỉ 0,5 thậm chí 0,005 USD và được quảng cáo sẽ tăng gấp 10, gấp 100 lần trong tương lai. Nhiều người bỏ hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn USD mua số lượng lớn các đồng tiền này với hy vọng sẽ giàu nhanh khi nó tăng giá.

Thế nhưng sau một thời gian giá trị các đồng tiền này vẫn loay hoay như giá ban đầu thậm chí sụt giảm tệ hại. Nhiều người đành bán tháo, chấp nhận lỗ nặng vì sợ giá sẽ về mức 0 USD thì sẽ mất trắng.

Thách thức cho cơ quan chức năng

Theo báo cáo tổng hợp mới đây của các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an và NHNN về tình hình, kết quả thực hiện “Quyết định 1255 ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và những đề xuất, kiến nghị” thì vấn đền quản lý tiền ảo vẫn là bài toán khó đối với cơ quan quản lý.

Theo đánh giá, sau khoảng thời gian thực hiện của các Bộ, ngành, một số vướng mắc đã phát sinh khi hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền ảo. Trước tiên là việc thiếu nhiều quy định pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.

Một số quy định chưa rõ ràng, nhận thức còn khác nhau nên việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật phòng, chống rửa tiền liên quan đến tiền ảo gặp khó khăn khi quy định các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tiền ảo là đối tượng báo cáo theo pháp luật phòng, chống rửa tiền.

Việc xác định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý các nhà cung cấp dịch vụ tiền ảo cũng chưa rõ ràng.

Cũng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, từ khi ban hành Quyết định 1255 đến nay, tình hình liên quan đến tiền ảo trên thế giới ngày càng phát triển nhanh, phức tạp, là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng Việt Nam.

Công tác nghiên cứu nhằm đề xuất khung khổ pháp lý về các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa cũng đối mặt với thách thức. Đó là sự phức tạp về tài sản mã hóa cũng như công nghệ nền tảng của tài sản mã hóa hay phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của loại tài sản này.

Tiếp tục nghiên cứu?

Lĩnh vực tiền ảo đang là thách thức ở quy mô toàn cầu, các quốc gia vẫn trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng đây là vấn đề mới và cần có thêm thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành và cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nhiều văn bản trong năm 2021.

Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì lập đề nghị xây dựng Nghị định về huy động vốn qua phát hành tài sản mã hóa (ICO/ITO hay STO) và quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa là chứng khoán theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và yêu cầu của thực tiễn để trình Chính phủ trong năm 2021.

Triển khai những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giao dịch của các sàn giao dịch tài sản, tiền ảo và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tiền ảo.

Đề xuất Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Bộ Công an cũng cần chủ trì nghiên cứu đề xuất biện pháp phòng, chống xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tiền ảo. Triển khai những biện pháp phòng ngừa, xử lý hành vi lợi dụng Fintech, tiền ảo để hoạt động vi phạm pháp luật.

Một chuyên gia về an ninh mạng tại TP HCM cho biết: “Các cơ quan quản lý đã quá chậm, thậm chí không quan tâm đến tiền ảo, tiền điện tử trong một thời gian dài. Hàng loạt vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo lên đến hàng ngàn tỉ đồng đã diễn ra và đến nay vẫn chưa xử lý được, người tham gia thì mất trắng.

Việc không tìm hiểu bản chất, cách thức giao dịch của các loại tiền ảo, tiền mã hóa của cơ quan quản lý đã khiến cho các sàn giao dịch chui ung dung hoạt động, người chơi bị lôi kéo dễ dàng mà hoàn toàn không xử lý được.

Người chơi hiện giờ vẫn lao vào các sàn tiền ảo như “thiêu thân”, các loại tiền ảo, sàn giao dịch lừa đảo thì xuất hiện khắp nơi. Nếu không nhanh chóng có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, chế tài cụ thể thì hậu quả là những người Việt Nam tham gia sẽ tiếp tục bị lừa đảo, mất tiền dài dài”.

 

Cơn sốt tiền ảo Pi hạ nhiệt?

Trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán khi tiền ảo Bitcoin tăng giá hàng chục ngàn USD thì các loại tiền ảo khác cũng “ăn theo” trong đó có đồng tiền ảo Pi. Những người tham gia đào loại tiền ảo này đã rầm rộ đăng tải các bài viết quảng cáo về Pi lên mạng xã hội, thành lập các hội nhóm với hàng chục, hàng trăm ngàn thành viên tham gia.

Thêm vào đó nhiều bài viết quảng cáo cho tiền ảo Pi từ các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội đã khiến nhiều người tin tưởng và đổ xô tham gia đào Pi tạo nên cơn sốt chưa từng có tại Việt Nam. Sau đó các chuyên gia, cơ quan quản lý đã đưa ra những phân tích, nhận định, cảnh báo về tiền ảo này và gặp phải phản ứng dữ dội từ những người đào Pi.

Tuy nhiên ghi nhận đến khoảng giữa tháng 3 này cơn sốt tiền ảo Pi đã “hạ nhiệt” khá nhiều. Theo các chuyên gia là do nhiều người sau khi đọc được các bài viết cảnh báo đã tìm hiểu về nhận thấy nhiều điều bất ổn, phí thời gian cho đồng tiền ảo này nên nhiều người hiện đã bắt đầu “rút lui”, ngừng tham gia đào Pi.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục