Doanh nghiệp nông nghiệp là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, cung ứng vật tư, tư vấn khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ những năm qua ở nước ta đặc biệt ở các đô thị lớn làm cho quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, do đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, cũng như lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao làm cho ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu to lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, có vai trò lớn của các doanh nghiệp nông nghiệp, loại hình sản xuất – kinh doanh có khả năng thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường hiện đại.
Vai trò của doanh nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Doanh nghiệp nông nghiệp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Bằng cách sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ cao giúp cho chủ động trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Theo một số báo cáo, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).
Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Chính các doanh nghiệp nông nghiệp là chủ thể rất quan trọng, có thể nói là giữ vai trò đầu tầu trong ứng dụng khoa học CNC vào nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
- Doanh nghiệp nông nghiệp là đội quân chủ lực cho sản xuất nông sản thực phẩm Organic (hữu cơ); bảo đảm nông sản thực phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xu hướng tiêu dùng của một bộ phận dân cư nơi đô thị lớn và trên thế giới là sử dụng nông sản, thực phẩm hữu cơ (Organic); lựa chọn sản phẩm thiên nhiên thuần khiết, đặt an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. “Organic” dùng cho sản phẩm có ít nhất 95% thành phần hữu cơ. Sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi chi phí lớn.
Hiện nay, trên cả nước đã có nhiều địa phương tham gia sản xuất NNHC, nhưng hiệu quả vẫn còn thấp. Riêng diện tích trồng trọt hữu cơ hiện mới chỉ đạt hơn 23.000 ha, trong đó cây lương thực (lúa, ngô) có chín tỉnh có mô hình với diện tích 11.000 ha, rau hữu cơ tại 14 tỉnh với diện tích hơn 2.000 ha, chè hữu cơ ở tám tỉnh với diện tích 2.800 ha, cây ăn quả hữu cơ tại 10 tỉnh với diện tích 4.700 ha, cây điều hữu cơ tại hai tỉnh Ðắk Nông và Bình Phước với diện tích 2.155 ha…
Các nhà doanh nghiệp cho rằng, chi phí đầu tư ban đầu của NNHC thường cao hơn bình thường. Trong khi đó, sản xuất hữu cơ không mang lại lợi ích kinh tế ngay do phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm. Môi trường cần thời gian lập lại cân bằng sinh thái, thời gian này càng kéo dài càng ảnh hưởng tới quá trình thu hồi vốn của các nhà đầu tư. Đây là cản trở lớn mà không phải loại hình tổ chức sản xuất nào cũng dám đầu tư.
Nông nghiệp hữu cơ đang có xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Vai trò của doanh nghiệp trong mô hình sản xuất hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị là rất quan trọng, từ đó hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất một cách bền vững.
Doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ trong liên kết dọc, người sản xuất được hỗ trợ một phần chi phí. Trong chuỗi cung - cầu, nhà sản xuất và kinh doanh liên kết lại, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các doanh nghiệp có vai trò quyết định đẩy mạnh lượng cầu trong sản xuất hữu cơ.
- Doanh nghiệp nông nghiệp có vai trò quan trọng trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, tuy nhiên các sản phẩm nông sản có thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế còn rất khiêm tốn. Phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến và không có thương hiệu.
Cho đến nay, gần 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước nhưng hơn 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đa phần các sản phẩm này được bán ra thị trường thế giới dưới dạng nguyên liệu hoặc sử dụng thương hiệu nước ngoài của các nhà nhập khẩu.
Phát triển thương hiệu nông sản được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại nhằm mục tiêu quảng bá, quản lý và bảo vệ sở hữu trí tuệ tại các nước nhập khẩu và tại các thị trường tiêu thụ nội địa cao cấp. Thương hiệu nông sản được xây dựng gồm: nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản của vùng, địa phương, nhãn hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã chỉ rõ vai trò và giá trị của thương hiệu trong phát triển thị trường nông sản, phát triển thương hiệu nông sản có thể tập trung vào ba hướng tiếp cận chính: Xây dựng thương hiệu quốc gia; Thương hiệu vùng miền, địa phương; Xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Thương hiệu quốc gia, vùng/địa phương và thương hiệu doanh nghiệp là các dòng giá trị luân chuyển song hành, một mặt, thương hiệu quốc gia, vùng/địa phương tốt sẽ mang đến uy tín cho sản phẩm của doanh nghiệp, mặt khác, sự phong phú, đa dạng của thương hiệu doanh nghiệp với sản phẩm địa phương nổi bật sẽ góp phần duy trì và mở rộng uy tín của thương hiệu quốc gia, vùng/địa phương.
Chính những điều đó cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.