Ngày pháp luật

Uống chén trà thẩm thấu được bao triết lý nhân sinh sâu sắc?

Quỳnh Chi

Là quốc gia đầu tiên phát hiện và sử dụng trà như một loại đồ uống, Trung Quốc được coi là cái nôi của trà đạo. Đối với người Trung Hoa, trà không chỉ là thức uống thanh nhiệt, chữa bệnh mà còn là nét văn hoá ngàn năm và chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Trà đạo Trung Hoa – nét văn hoá ngàn năm

Theo ghi chép trong lịch sử của Trung Hoa, trà đã xuất hiện và thịnh hành tại đất nước này từ hàng cách đây hàng ngàn năm. Lịch sử trồng trà của Trung Quốc đã kéo dài hơn 2000 năm và hình thành những vùng đất chuyên canh trà nổi tiếng như: Giang Tô, An Huy, Hồ Nam, Triết Giang, Tứ Xuyên, Vân Nam, Thiểm Tây, Giang Tây, Hồ Bắc… Đối với người Hoa, trà không chỉ là thức uống thanh nhiệt, giải độc, có tác dụng chữa bệnh mà còn là một môn nghệ thuật, một nét văn hoá lâu đời có sự kết hợp hài hoà giữa trà và Đạo.

Uống chén trà thẩm thấu được bao triết lý nhân sinh sâu sắc? - Ảnh 1

Uống trà là một trong 7 thói quen sinh hoạt không thể thiếu hàng ngày của người dân Trung Quốc. Tương truyền, năm 280, tại nước Ngô – một quốc gia nhỏ nằm ở miền Nam Trung Quốc, mỗi khi nhà vua đãi tiệc các đại thần, thường ép họ uống rượu đến say mềm. Trong số các quan đại thần thân cận nhà vua, có một vị tên là Vĩ Siêu, do không uống được nhiều rượu nên được nhà vua đặc cách cho dùng trà thay rượu. Từ đó về sau, các quan văn trong triều đình nước Ngô bắt đầu dùng trà để tiếp đãi khách.

Uống chén trà thẩm thấu được bao triết lý nhân sinh sâu sắc? - Ảnh 2

Một ghi chép khác thì cho rằng, vào khoảng năm 713 đến 741, các nhà sư và tín đồ Phật giáo khi ngồi tụng kinh trong chùa thường uống trà để giữ được sự tỉnh táo. Phương pháp này sau đó được lưu truyền khắp nơi. Đến đời nhà Đường ở Trung Quốc, uống trà đã trở thành một thói quen phổ biến của mọi người dân, từ tần lớp giàu sang, quý tộc cho đến dân thường. Các nhà đình giàu có còn dành riêng một căn phòng cho việc thưởng thức trà và đọc sách, gọi là phòng trà. Năm 780, Lục Vũ – một chuyên gia về trà của nhà Đường đã tổng kết kinh nghiệm trồng trà, chế biến và uống trà trong một cuốn sách có tên gọi “ Trà Kinh” và được người đời tôn vinh là Thánh trà. Ngày nay, phong tục và văn hoá uống trà của Trung Hoa vẫn được gìn giữ và phát triển như một nét đẹp truyền thống giữa xã hội hiện đại.

Chén trà chứa đựng triết lý nhân sinh

Văn hoá trà đạo Trung Hoa thể hiện những đặc trưng truyền thống của tinh thần phương Đông, là sự kết hợp hài hoà của “Trà”“Đạo”. Người phương Đông, đặc biệt là người Trung Hoa, tin rằng trong tất cả các ngành nghề xã hội đều có “Đạo” và mọi người đều có lòng “cầu Tiên mộ Đạo”, bởi thế mà từ lâu, người xưa đã nâng tầm thưởng thức trà lên thành “Trà Đạo”. Văn hoá trà đạo được hiểu là một loại văn hoá “trung gian”: lấy trà vật dẫn, kế thừa tinh thần của văn hoá truyền thống. Trà đạo được cấu thành bởi “Trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ và trà tâm. Người xưa thông qua việc thưởng trà để đàm Đạo, bàn luận về thế thái, nhân sinh.

Uống chén trà thẩm thấu được bao triết lý nhân sinh sâu sắc? - Ảnh 3

Đặc tính của trà là đắng. Người xưa thưởng thức vị đắng của trà để ngẫm nghĩ về vị đắng của đời người. Song cái đắng của trà là đắng trước, ngọt sau, trong đắng có ngọt, từ đó mà hiểu ra được đạo lý làm người: khổ trước, sướng sau. Trà đạo Trung Hoa cũng chú trọng “Hoà tĩnh di chân” nghĩa là sự hài hoà, tĩnh lặng, vui vẻ và chân thật, lấy sự tĩnh lặng để đạt tới trạng thái “tâm trai, toạ vong”, gột bỏ những chấp niệm sai lầm để hạnh ngộ con đường đi tới đắc Đạo. Trước khi uống trà, người ta phải buông bỏ những phiền muộn, cố chấp trong lòng để có tâm thế bước vào cảnh giới của cái Đẹp, lĩnh hội những mỹ cảm như màu sắc, hương vị và cả những hình tượng ẩn sâu trong đó. Từ đó, người xưa vừa thưởng trà vừa tĩnh lặng quan sát, suy tư về nhân sinh, bồi dưỡng tâm tính.

Uống chén trà thẩm thấu được bao triết lý nhân sinh sâu sắc? - Ảnh 4

Người Trung Hoa cũng quan niệm rằng, trà đạo bản chất là từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống mà lĩnh hội được sự huyền bí của vũ trụ và những triết lý sâu sắc của nhân sinh. Trong việc thưởng trà, người ta phải buông xuống công việc đang làm, buông lỏng tâm trạng căng thẳng để hoà mình vào thế giới trà đạo, cũng vì thế mà thấu cảm được sự “buông bỏ” trong đời người: buông bỏ nỗi phiền não, buông bỏ danh lợi, chấp niệm, dục vọng… để hướng đến cái Chân, Thiện, Mỹ; tự nhiên sẽ được thoải mái, ung dung.

Uống chén trà thẩm thấu được bao triết lý nhân sinh sâu sắc? - Ảnh 5

Tu hành Trà Đạo chính là sự tu tâm dưỡng tính, từ vị đắng của trà mà thấu hiểu được nhân sinh, tĩnh lặng mà vượt qua những biến hoá khó lường trong cuộc sống, thấy được chân tướng của đời người.