Ngày pháp luật

Trà đạo công sở: cách doanh nhân Nhật Bản giảm tải stress

Quỳnh Chi

Nếu như xưa kia, trước khi ra trận, các samurai thường gác kiếm để thưởng thức một chén trà lấy tinh thần thì ngày nay, giữa những giờ làm việc căng thẳng, các doanh nhân Nhật Bản cũng dùng trà đạo để giải toả căng thẳng và tìm kiếm cơ hội thăng tiến.

Trà đạo – nét văn hoá lâu đời và độc đáo ở Nhật Bản

Ở thế kỉ thứ 12 tại Nhật Bản, một cao tăng tên là Eisai đã sang Trung Hoa để học về đạo giáo. Sau khi trở về nước, vị sư này mang theo một loại bột trà xanh được gọi là matcha và một số hạt cây chè để trồng trước sân chùa. Bột matcha khi đó mới được biết tới như một vị thuốc để chữa bệnh, sau đó, nó trở thành một thức uống xa xỉ của giới thượng lưu. Trong quá trình tu tập và chiêm nghiệm, Eisai đã viết ra cuốn sách “Khiết trà dưỡng sinh khí”, nói về các cái thú của việc uống trà.

Trà đạo được coi là một trong những tinh hoa nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Nguồn: Internet
Trà đạo được coi là một trong những tinh hoa nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Nguồn: Internet

Uống trà sau đó đã được các Samurai – giai cấp thống trị Nhật Bản thời bấy giờ đưa lên thành những buổi tiệc trang trọng và đề ra các quy tắc. Các quy tắc tiệc trà này được nhà sư Sen no Rikyu (1522 -1591) kế thừa và hoàn thiện thành những lễ nghi nghiêm ngặt. Vào cuối thời Edo (1603 - 1868), thưởng trà chỉ là đặc quyền dành riêng cho nam giới nhưng tới thời Meiji (1868 -1912), phụ nữ Nhật Bản đã chính thức được tham dự những buổi tiệc trà. Dần dần, việc uống trà được kết hợp với tinh thần Thiền của giáo lý Phật giáo và nâng cao thành nghệ thuật.

Trà đạo Nhật Bản không đơn thuần chỉ là uống trà mà còn là nghệ thuật thưởng thức cái đẹp; được chuẩn bị công phu, cầu kì, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ nguyên liệu pha trà cho đến các loại dụng cụ.

Tiệc trà được chuẩn bị công phu từ nguyên liệu đến công cụ
Tiệc trà được chuẩn bị công phu từ nguyên liệu đến công cụ

Chính vì vậy, văn hoá trà đạo Nhật Bản là môn nghệ thuật tinh tế, ẩn chứa cả nghệ thuật sống và những triết lí sâu xa trong cách thưởng trà. Quá trình từ khởi đầu là uống trà bình dân cho đến nghệ thuật trà đạo là một nỗ lực không ngừng nghỉ của người Nhật nhằm bản địa hoá tục vốn được du nhập từ nước ngoài, biến nó trở thành nghệ thuật của chính dân tộc mình.

Người Nhật Bản đã nỗ lực hiện đại hoá trà đạo để môn nghệ thuật truyền thống này gắn bó, phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Nguồn: Internet.
Người Nhật Bản đã nỗ lực hiện đại hoá trà đạo để môn nghệ thuật truyền thống này gắn bó, phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Nguồn: Internet.

4 nguyên tắc của trà đạo bao gồm: Hoà – Kính – Thanh – Lịch không chỉ đơn giản là những nghi lễ, quy tắc khi thưởng trà mà còn gửi gắm khát vọng hoà mình vào thiên nhiên, thanh lọc tâm hồn, tu dưỡng tâm tính và nghệ thuật đối nhân xử thế.

Từ văn hoá cổ xưa đến làn sóng mới của các buổi tụ tập văn phòng sáng tạo

Có một thời kì, trà đạo là thức uống xa hoa của giới thượng lưu và các samurai Nhật Bản. Trước khi ra trận, các samurai thường ngồi lại để thưởng thức trà nhằm nâng cao tinh thần trong cuộc chiến. Ở thời hiện đại, các doanh nhân Nhật Bản cũng giống như các samurai, mỗi ngày đều phải đấu tranh với căng thẳng, stress để đạt được những thành tựu cao hơn trong công việc, sự nghiệp. Một chén nhỏ trà được pha từ bột matcha hảo hạng sẽ giúp các doanh nhân này tìm được sự tỉnh táo, chống mệt mỏi, căng thẳng và có tác dụng tương đương với một tách cà phê, song lại chứa đựng nền tảng văn hoá lâu đời hơn và “Nhật” hơn so với thức uống đến từ phương Tây.

Làn sóng trà đạo văn phòng mới ở Nhật Bản được gọi là Kyuto-Ryu; không đòi hỏi không gian và quy tắc quá khắt khe như trà đạo truyền thống. Buổi tiệc trà có thể diễn ra ngay trong căn bếp nhỏ ở văn phòng, tranh thủ giữa các giờ nghỉ ngắn. Những buổi trà đạo như thế có tác dụng rất mạnh mẽ trong việc kết nối các thành viên công sở. Theo đó, những người tham gia trà đạo khi thưởng trà đều bình đẳng bất kể chức vụ, công việc.

Trà đạo công sở: cách doanh nhân Nhật Bản giảm tải stress - Ảnh 1

Cũng giống như các samurai thời xưa theo nghi lễ lịch sử, thường để gươm – vật tượng trưng cho danh tính, thứ bậc vào một nơi trước khi dùng trà; người tham gia trà đạo trong công sở đều cởi bỏ thẻ tên và chức danh. Thông qua việc tụ họp này, họ sẽ thẳng thẳn thảo luận về chiến lược và các vấn đề trong công sở. Đây là cơ hội tốt để các thành viên giao thiệp và tìm đường hướng phát triển sự nghiệp. Cuối cùng các buổi Kyuto-Ryu tại mỗi văn phòng đều mang một màu sắc riêng độc đáo, đại diện cho văn hoá công sở đặc sắc và đáng nhớ ở mỗi nơi.

Ban đầu, việc thực hành nghi lễ trà đạo ở văn phòng Kyuto-Ryu chỉ phổ biến trong một nhóm doanh nhân nhỏ; sau đó trào lưu này ngày được mở rộng và thu hút nhiều người tham dự. Những nghi lễ nghiêm ngặt của trà đạo truyền thống đã được “thổi hồn thời đại” trong nhịp sống gấp gáp và hiện đại ở Nhật Bản. Những doanh nhân tham dự tiệc trà ngay tại văn phòng của mình, thay vì dùng những bộ chén đắt tiền, họ sử dụng những vật dụng quen thuộc và bình dân nhằm đem lại không khí thư giãn và thoải mái. Bàn về Kyoto-Ryu, Giáo sư Hiroshi Yamguchi của Đại học Komazawa – Tokyo cho rằng: bằng cách bỏ qua những lề lối truyền thống, Kyuto-Ryu đã thành công trong việc biến bản chất của trà đạo thành một điều vui vẻ và thoải mái hơn.

Trà đạo công sở: cách doanh nhân Nhật Bản giảm tải stress - Ảnh 2

Trong tư tưởng truyền thống, trà đạo là một phép tắc, lễ nghi khắt khe và gắn liền với sự xa hoa, quý tộc; tuy nhiên, chén trà đắt tiền và việc thưởng thức nó một cách xa xỉ lại khiến giá trị cảm nhận giảm xuống và ngày càng ít người hiện đại có thể theo đuổi hay tiếp cận văn hoá này. Hiện đại hoá trà đạo và biến thể để nó phù hợp hơn với đời sống hiện đại là một việc làm hết sức sáng tạo, giúp nhiều người Nhật Bản có thể lĩnh hội những triết lý, bài học cao quý và gìn giữ truyền thống tốt hơn. Những người tham gia trà đạo công sở kỳ vọng rằng, một ngày nào đó, bột matcha Nhật Bản có thể thay thế cho cà phê tại nơi làm việc, và những buổi trà đạo như thế sẽ phổ biến như tiệc trà chiều ở London.