Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 7, Đỗ Sỹ Quang - Nhà sáng lập Ghephang.com cho biết, thị trường hiện có 600.000 chiếc xe vận tải nhưng đều gặp phải “nỗi đau” chung chưa thể xử lý triệt để, đó là xe đi một chiều thì có hàng còn chiều quay lại thì không có hàng, gây lãng phí rất lớn về tài nguyên cũng như ảnh hưởng đến môi trường.
Chính vì những nỗi đau đó cho nên tháng 9/2023, Ghephang.com chính thức ra mắt thị trường với hai ứng dụng là Xe Ghép Hàng và Ghép Hàng.
Theo chia sẻ của nhóm sáng lập, ứng dụng Xe Ghép Hàng giúp các tài xế dễ dàng tìm kiếm đơn hàng theo kích thước, tải trọng còn ứng dụng Ghép Hàng giúp khách gửi hàng tiếp cận các xe có sẵn, giảm 30% chi phí, giúp nhà xe tăng 30% chi phí trên mỗi đơn hàng.
Nguyễn Anh Tuấn – COO Ghephang.com cũng chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã mở được 11 điểm giao nhận hàng trên toàn quốc, với số lượng xe tải đang hợp tác là 3.000 xe và 1.500 khách gửi hàng.
Mục tiêu của Ghephang.com trong 3 năm sẽ có 80.000 khách gửi hàng và 15.000 xe vận chuyển. Để làm được điều này, chính sách thu hút các nhà xe sử dụng app của Ghephang là không thu phí đăng ký khi sử dụng dịch vụ.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Ghephang ghi nhận 486 đơn vận chuyển/tháng với giá trị trung bình là 3,2 triệu/đơn, thu về 4,76 tỷ và commission (hoa hồng) nhận được là 17,8%. Mục tiêu hết năm 2024 đạt 30 tỷ, tăng trưởng hàng tháng đạt 150%.
Tính toán nhanh các con số tài chính của startup, Shark Minh Beta chỉ ra rằng với 486 đơn hàng có giá trị mỗi đơn khoảng 3,2 triệu thì tổng giá trị hàng gửi tầm 1,5 tỷ một tháng. Startup lấy 17,8% hoa hồng thì doanh số chỉ khoảng từ 260 – 300 triệu mỗi tháng. “Làm sao có thể tin được là một năm có thể đạt được 30 tỷ doanh thu”, Shark Minh Beta thắc mắc.
Có cùng góc nhìn, Shark Phi Vân và Shark Bình cũng lên tiếng nhấn mạnh con số gần hơn 4 tỷ startup đang nói là giá trị đơn hàng chứ không phải doanh thu.
Về phía Shark Bình, ông đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu sâu hơn về mô hình kinh doanh của Ghephang.com và được biết đối tác của Ghephang là xe tự do và xe của doanh nghiệp vận chuyển. “Ghép hàng đang hướng tới chủ yếu là các nhà máy, các kho cũng như là các doanh nghiệp gửi hàng với số lượng trên 100kg”, đại diện Ghephang chia sẻ về khách hàng mục tiêu sẽ sử dụng dịch vụ gửi hàng trên app.
Ông nhận định mô hình kinh doanh của Ghephang.com là OTT (Over the top), là đối tượng trung gian sử dụng các nguồn lực sẵn có của các hãng vận chuyển khác.
“Có một đặc điểm rất lớn của mô hình kinh doanh này đó là nó không bền vững”, Shark Bình đánh giá và kể lại trải nghiệm của mình với mô hình kinh doanh tương tự có tên là Ship chung.
“4-5 năm đầu hoạt động rất tốt, cũng là OTT với các hãng vận chuyển. Và một đặc điểm của các mô hình kinh tế trung gian này là được một thời gian thì chính bản thân các hãng vận chuyển, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải gốc mà các bạn gọi là đang đứng trên vai người khổng lồ ấy họ sẽ hất các bạn xuống. Lúc đấy là khách gửi hàng qua app của bạn, các hãng vận chuyển sẽ liên hệ bảo là thôi về sau anh đừng gửi qua bên này nữa, gửi thẳng bên em, em discount cho anh 5%. Chính tôi đã gặp vết xe đổ đó và tôi khuyên là bạn cũng cần phải cân nhắc lại mô hình kinh doanh của mình”.
Đáp lại, Sỹ Quang cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, Ghephang đã đạt điểm hòa vốn. Ngoài ra, đối tượng khách hàng mà startup hướng tới là các doanh nghiệp với đặc thù cần giấy tờ, hóa đơn. Trong khi đó, các xe vận tải tự do lại không để đáp ứng được về giấy tờ với các doanh nghiệp.
Cung cấp thêm thông tin để thuyết phục các Shark đầu tư 250.000 USD đổi lấy 5% cổ phần, Sỹ Quang nêu ra 3 lý do. Thứ nhất, mô hình của Ghephang.com là “đại dương xanh”, thứ hai là startup dựa trên cơ chế sẻ chia để kết nối các đơn vị xe tải ghép hàng lại với nhau, thứ ba là startup có đội ngũ hùng mạnh có thể đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của một ứng dụng công nghệ.
Về cơ cấu cổ đông của Ghephang.com, Sỹ Quang chiếm 36%, một đồng sáng lập về công nghệ chiếm 36% và 28% còn lại thuộc về một doanh nghiệp khác. Tổng số tiền mà nhóm sáng lập đã đầu tư cho Ghephang.com là 5 tỷ.
Sau phần chia sẻ của Ghephang.com, Shark Phi Vân nhận xét startup cần nhiều kiến thức và trải nghiệm về tài chính hơn để có phương hướng kinh doanh và nói đúng về con số.
Shark Lê Mỹ Nga nhận xét, trong lĩnh vực giao hàng có nhiều khó khăn, nếu như startup đưa thêm được nhiều giá trị cho người dùng trên nền tảng thì có thể thu hút nhà đầu tư hơn. Chính vì thế, bà nhanh chóng rời khỏi thương vụ.
Shark Minh Beta cũng từ chối đầu tư bởi định giá doanh nghiệp của Ghephang.com lên đến hơn 100 tỷ trong khi chưa có lợi nhuận. Bên cạnh đó, sự chưa chắc chắn của nhóm sáng lập về số liệu kinh doanh cũng như cách hoạch định chiến lược còn lơ mơ cũng chưa đủ thuyết phục.
Đánh giá ý tưởng kinh doanh của Ghephang.com khá tốt khi đã tìm ra giải pháp cho vấn đề của thị trường nhưng đồng thời, Shark Tillman Schulz chỉ ra rằng logistics là thị trường khó khăn trên thế giới và startup sẽ phải đi nhanh để có thể “sống sót”. Chưa cảm thấy bị thuyết phục bởi năng lực của nhóm sáng lập nên vị “Cá Mập” đến từ Đức cũng nhanh chóng từ chối đầu tư.
Còn lại Shark Bình, ông đánh giá startup có thể duy trì mô hình kinh doanh với quy mô nhỏ, chứ khó có thể mở rộng hơn.
“Tôi đã có trải nghiệm thất bại với mô hình này rồi vì vậy tôi cũng không tin tưởng lắm tương lai của mô hình. Chính vì vậy nên tôi sẽ không đầu tư”, Shark Bình chia sẻ, khép lại thương vụ gọi vốn chưa thành công của Ghephang.com.