Ngày pháp luật

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng được Forbes vinh danh trong danh sách "nhà từ thiện hào phóng" châu Á năm 2021

Giang Phạm

Đây là năm thứ hai liên tiếp tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt trong danh sách này với những đóng góp trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 15 nhà từ thiện hào phóng tại châu Á năm 2021 (Asia's 2021 Heroes Of Philanthropy). Đây đều là những doanh nhân,  nhà kinh doanh nổi tiếng hàng đầu khu vực, người có nhiều cống hiến cho hoạt động từ thiện trong năm qua. 

Theo Forbes, danh sách năm nay gồm nhiều cái tên mới, nhưng vẫn còn một số cái tên từng xuất hiện trong danh sách năm ngoái, tiêu biểu như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. 

Đây là năm thứ hai liên tiếp, vị tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng góp mặt trong top 15 nhà từ thiện hào phóng tại châu Á. 

Ông chủ Tập đoàn Vingroup tiếp tục có những đóng góp đáng kể trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Kể từ năm ngoái, tỷ phú giàu nhất Việt Nam đã quyên góp hơn 320 triệu USD để hỗ trợ công tác phòng chống dịch, tạp chí Forbes đề cập.

Đây là năm thứ hai liên tiếp tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt trong danh sách những nhà từ thiện hào phóng tại châu Á năm 2021
Đây là năm thứ hai liên tiếp tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt trong danh sách những nhà từ thiện hào phóng tại châu Á năm 2021

Bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng, bản danh sách năm nay cũng bao gồm tỷ phú khác ở Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc...  

Giáo dục là một trong những lĩnh vực từ thiện được quan tâm hàng đầu của các tỷ phú trong suốt năm qua. Hai anh em tỷ phú người Hong Kong là Gerald và Ronnie Chan, những nhà điều hành tập đoàn bất động sản Hang Lung Group đã quyên góp 175 triệu USD cho một trường tại Massachusetts, Mỹ.

Trong khi đó, "ông trùm" sản xuất Nhật Bản Takemitsu Takizaki, người sáng lập Keyence, nhà sản xuất cảm biến tự động hóa, hệ thống thị giác… đã tặng cổ phần của công ty mình trị giá gần 2,3 tỷ USD để tài trợ học bổng cho sinh viên đại học ở Nhật Bản.

Tại Đài Loan, ông trùm bất động sản Lin Chen-hai đã "rót" 100 triệu USD để thành lập một trường cao học về kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học quốc gia Tsing Hua.

Cùng lúc đó, tỷ phú Ấn Độ Anil Agarwal đã ký cam kết Giving Pledge - một chiến dịch khuyến khích những người giàu có đóng góp phần lớn tài sản của họ cho các hoạt động từ thiện

Cũng góp mặt trong danh sách là tỷ phú công nghệ người Australia Mike Cannon-Brookes. Ông được vinh danh với những nỗ lực trong việc giải cứu hành tinh như cam kết quyên góp hơn 350 triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Danh sách của Forbes không bao gồm những khoản quyên góp từ công ty của các ông trùm giàu nhất châu Á. Như những năm trước, danh sách này không bao gồm những người gây quỹ hoặc đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận dù họ đóng vai trò quan trọng.

Dưới đây là 15 nhà từ thiện hào phóng tại châu Á năm 2021 (danh sách này không có bậc xếp hạng, thứ tự do Forbes sắp xếp, không liên quan đến số tiền quyên góp)

Joseph Tsai và Clara Wu Tsai (Hong Kong – Nhà đồng sáng lập Alibaba và Quỹ Joe and Clara Tsai)

Phạm Nhật Vượng (Việt Nam – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup)

Lin Chen Hai (Đài Loan – Chủ tịch Tập đoàn Pau Jar Group)

Teresita Sy-Coson (Philippines – Phó chủ tịch SM Invesment Corp)

Anil Agarwal (Ấn Độ - Chủ tịch Vedanta Resources)

Takemitsu Takizaki (Nhật Bản – Chủ tịch Keyence)

Michael Kim (Hàn Quốc – Nhà sáng lập MBK Partners)

Jeffrey Cheah (Malaysia – Chủ tịch Tập đoàn Sunway)

Azim Premji (Ấn Độ - Chủ tịch Wipro)

Wee Weiling (Singapore – CEO Pan Pacific Hotels Group)

Ronnie Chan và Gerald Chan (Hong Kong – Nhà lãnh đạo Hang Lung Group)

Rina Lopez Bautista (Philippines – Nhà sáng lập Knowledge Channel Foundation)

Cho Tak Wong (Trung Quốc – Chủ tịch Fuyao Glass Industry Group)

Mike Cannon-Brookers (Australia – Nhà sáng lập Atlassian)

Kim Jung-Ju (Hàn Quốc – Nhà sáng lập Nexon)

Tin Cùng Chuyên Mục