Sau hai ngày thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 816 triệu đồng.
Theo Nghị định này, một số hành vi vi phạm luật giao thông đã được điều chỉnh mức phạt. Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng. Việc, bổ sung các hành vi mới, nâng mức xử phạt đối với các hành vi của Nghị định số 100 được đánh giá là rất đồng bộ, kịp thời trước những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự, an toàn giao thông hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc cho rằng, trong thực hiện xử lý vi phạm hành chính còn nhiều trường hợp cản trở, chống đối lực lượng chức năng như: khóa xe lại bỏ đi, đập phá xe, thậm chí chống người thi hành công vụ.
Về vấn đề này, LS Đặng Văn Cường, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tất cả những hành vi đó đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh; áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Theo đó, tại khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định: Với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy.
Luật sư Đặng Văn Cường
Theo luật sư Đặng Văn Cường, thực tế cho thấy, có những phương tiện giao thông giá trị thấp hơn mức xử phạt, tuy nhiên, trong trường hợp này người tham giao thông vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt. Phải nộp tiền phạt nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành, đồng thời bị tước giấy phép lái xe trong thời hạn.
“Nếu không nộp phạt thì không lấy lại được giấy phép lái xe, không được cấp lại giấy phép lái xe và không có cơ hội được tham gia giao thông một cách hợp pháp. Bởi vậy, dù giá trị phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ có nhỏ hơn số tiền nộp phạt thì người tham gia giao thông vẫn có trách nhiệm phải nộp phạt với hành vi vi phạm của mình”- luật sư Cường chia sẻ thêm.
Theo quy định pháp luật, nếu người vi phạm chấp hành, ký văn bản thì có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ. Còn trường hợp không chấp hành như: Khóa xe bỏ đi, có hành vi chửi bới lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng hoặc không ký vào văn bản ... thì vẫn bị lập biên bản, có người làm chứng và xử lý bình thường. Trường hợp này, người vi phạm sẽ bị xử phạt với mức nặng nhất.
Đối với hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng tùy vào tính chất mức độ của hành vi, hậu quả xảy ra người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với những hành vi tấn công lại lực lượng chức năng thì chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015, tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Theo điều 330. Tội chống người thi hành công vụ thì: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.