Phiên giao dịch đầu tuần (3/8), cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam bất ngờ xuất hiện giao dịch thoả thuận 7,76 triệu cổ phiếu với giá tham chiếu 115.900 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 899 tỷ đồng
Kể từ đáy Covid lần thứ nhất vào cuối tháng 3, giá cổ phiếu VEF tăng từ 55.000 đồng/cp có thời điểm lên 120.000 đồng/cp. Tuy nhiên khối lượng giao dịch của mã này rất thấp, bình quân 10 phiên khớp lệnh 26.700 cổ phiếu nên khối lượng giao dịch khổng lồ trên xuất hiện rất bất ngờ.
Vốn điều lệ của VEF ở thời điểm hiện tại là 1.666 tỷ đồng, khối lượng giao dịch thoả thuận hôm nay tương đương 4,66% cổ phần. Số liệu tại thời điểm ngày 30/6 cho thấy Bộ Văn Hoá thể thao và du lịch đang nắm 10% công ty, Tập đoàn Vingroup nắm 83% và các cổ đông khác nắm 6,68%.
Kết quả kinh doanh quý II của VEF vẫn báo lãi 16,5 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước cho dù công ty gần như không có doanh thu cung cấp dịch vụ trong quý 2, vỏn vẹn 133 triệu đồng, Lỗ gộp hơn 3 tỷ đồng, tức là kinh doanh dưới giá vốn trong mảng hoạt động chính.
Lợi nhuận của VEF từ tiền gửi ngân hàng, chủ yếu từ 4.900 tỷ đồng vốn góp trước của Vingroup, đang hạch toán ở khoản các khoản tương đương tiền. Công ty không vay nợ ngân hàng nhưng có một khoản phải trả đối tứng Vingroup 4.900 tỷ.
Cuối tháng 7, HĐQT của VEF đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương đầu tư 4 dự án do công ty làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới 78.745 tỷ đồng.
Dự án tổ hợp Trung tâm dịch vụ thương mại và Nhà ở tại 148 Giảng Võ, Hà Nội (Triển lãm Giảng Võ trước đây). Tổng vốn đầu tư dự kiến 17.440 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp 20% vốn, 80% vốn còn lại là vay và huy động hợp pháp khác.
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc Gia tại Xã Đông Hội, Xã Xuân Canh, Huyện Đông Anh, Hà Nội. Tổng vốn đầu tư dự kiến 7.336 tỷ, vốn góp thực hiện 15% của chủ đầu tư, còn lại là vốn vay và vốn huy động khác.
Hình thức đầu tư bằng vốn của nhà đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước. Các chỉ tiêu quy hoạch dựa trên Quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào ngày 19/6. Dự án khởi công vào quý IV và hoàn thành vào quý III.
Dự án Khu đô thị mới Đông Anh tại Xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Được xác định theo bản vẽ Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt ngày 19/6/2020. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 34.879 tỷ, vốn góp thực hiện dự án 15% của nhà đầu tư, 85% vốn vay và vốn góp khác. Tiến độ dự án từ năm 2020 đến 2025.
Dự án Khu chức năng Đô thị Nam đại lộ Thăng Long tại Phường Mễ Trì, Phường Trung Văn, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm Hà Nội. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 19.090 tỷ, vốn góp nhà đầu tư 15%, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác 85%.
Link bài gốc