Tuần này, những công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp đang giảm dần sức ảnh hưởng với thị trường, cộng thêm giai đoạn thiếu vắng thông tin khiến biến động của thị trường chứng khoán được cho là phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch Covid-19.
Đó là nhận định của ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra trong bối cảnh Việt Nam một lần nữa chiến đấu với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Cẩn trọng xem xét tình hình dịch bệnh Covid-19
Tuần vừa rồi, thị trường giao dịch kém tích cực, cả VN-Index cùng HNX-Index đều giảm điểm. VN-Index có 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng điểm trước khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ở mức 798,39 điểm, giảm 30,77 điểm (3,71%) so với cuối tuần trước. Chỉ số HNX-Index chốt tuần ở mức 107,51 điểm, giảm 1,82 điểm (1,66%) so với cuối tuần trước.
Thanh khoản giảm nhẹ và xấp xỉ mức trung bình so với 20 tuần trở lại đây với khoảng hơn 5.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Theo dự đoán của ông Trần Xuân Bách, VN-Index sẽ tiếp tục biến động trong vùng chặn trên bởi ngưỡng kháng cự 810 - 820 điểm và chặn dưới bởi ngưỡng hỗ trợ quanh 780 điểm trong những phiên đầu tuần.
Cùng nhận định với BVSC, các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay hiện tại các thông tin về Covid-19 đang có tác động tiêu cực, dễ gây ra tâm lý không tốt cho các nhà đầu tư.
Một góc nhìn khác, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, thanh khoản thị trường phiên cuối tuần tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức thấp, độ rộng thị trường tiêu cực và biên độ thị trường nới rộng đang phản ánh xu hướng giao dịch giằng co. Phiên cơ cấu lại VN30 cũng không gây ảnh hưởng mạnh cho thị trường khi đa phần nhà đầu tư vẫn đang cẩn trọng xem xét tình hình dịch bệnh Covid-19.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS nêu quan điểm, phiên cuối tuần, nhịp điều chỉnh quá nhanh, thị trường tuy không thể ngược dòng thành công tuy nhiên với việc thu hẹp đà giảm đáng kể cũng là tín hiệu tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư. Điểm tích cực lúc này là tình hình dịch bệnh trong nước đang được Chính phủ quyết liệt ngăn chặn, bên cạnh đó thanh khoản đã được cải thiện. Do vậy, MBS cho rằng, nhịp hồi có thể vẫn tiếp diễn trong các phiên tới.
Trong khi đó, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường giảm điểm trong tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản vẫn ở mức khá cao cho thấy lực bán hiện tại vẫn là tương đối mạnh.
Có thể tiếp tục giảm quanh ngưỡng 775 điểm
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN - Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 800 điểm, qua đó ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số quanh 775 điểm. Điểm tích cực trong tuần qua là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng với khoảng gần 850 tỷ đồng trên hai sàn.
Tất cả các cổ phiếu chính tuần qua đã điều chỉnh giảm, cụ thể như nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh nhất với 8% giá trị vốn hóa trên các mã tiêu biểu như HVN (10,9%), VJC (giảm 9%), SCS (4,8%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 7,3% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như PVB giảm 9,1%, PVS giảm 9,3, BSR giảm 7,8%, PVD giảm 7,3%, PLX giảm 7%, OIL giảm 5,5%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có mức giảm 4,8% giá trị vốn hóa, với các mã như TCB giảm 6,9%, VCB giảm 5,7%, HDB giảm 5,3%, MBB và VPB giảm 4,7%, MBB giảm 4,5%, BID giảm 4,1%, MBB giảm 4,5%, ACB giảm 3%...
Ngành hàng tiêu dùng giảm 4,4% do các trụ cột trong ngành đều giảm như SAB giảm 7,2%, BHN giảm 6,3%, VNM giảm 3,7%, MSN giảm 2,9%...
Ở chiều ngược lại, nhóm dược phẩm và y yế tăng 0,6% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu như JVC tăng 0,9%, DHT tăng 10,6%, IMP tăng 1,6%, DNM tăng 60,6%, TRA tăng 7,7%, PMC tăng 12,3%, PME tăng 4,9%...
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (3 - 7/8), VN - Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 775 điểm. Những nhà đầu tư đã giải ngân thăm dò trong tuần qua có thể cân nhắc mua thêm một phần danh mục nữa nếu như thị trường có nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ quanh 775 điểm.