Theo Báo cáo, năm 2022, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực. Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện 4 văn bản, đề án.
Cụ thể, Cục đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề xuất chính sách phục vụ việc lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp (dự kiến trình Chính phủ trong năm 2023).
Cục đã xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, đăng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)…
Đối với công tác thẩm định, góp ý văn bản, tính đến hết 31/12/2022, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã chủ trì tổ chức thẩm định đối với 4 dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định phân công các đơn vị thẩm định, góp ý, tham gia xây dựng, đề nghị xây dựng văn bản QPPL và dự án, dự thảo văn bản QPPL năm 2022; góp ý 119 văn bản do các cơ quan trong và ngoài Bộ gửi lấy ý kiến.
Về hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tính đến hết 31/12/2022, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã phát hành 79 văn bản trả lời đề nghị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của công dân, các Bộ, ngành, địa phương và xử lý 18 đơn thư gửi về Cục. Năm 2022, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã tổ chức thành công 30 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, kiểm tra, tập huấn theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành 5 Báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có liên quan. Ngoài ra, Cục cũng triển khai thường xuyên, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ công tác khác như cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc tại đơn vị…
Trong năm 2023, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản, đề án về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật theo Kế hoạch công tác đã được phê duyệt; tăng cường hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương giải quyết vướng mắc trong thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền và Kế hoạch công tác năm 2023; tiến hành theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 theo Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2023…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực mà Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã đạt được trong năm qua. Thứ trưởng nhấn mạnh Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, nhất trí, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; kết quả công tác của Cục đã đạt được trong năm 2022 khá toàn diện.
Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cần tiếp tục rà soát, bảo đảm các nhiệm vụ của đơn vị bám sát nhiệm vụ trọng tâm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2023 của ngành Tư pháp và Chương trình hành động của ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ; chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm 2023 sau khi được Lãnh đạo Bộ phê duyệt theo đúng tiến độ, bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác truyền thông về xử lý vi phạm hành chính&TDTHPL; chủ động, kịp thời nhận diện chính xác những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác của đơn vị và của các Bộ, ngành, địa phương trên các mặt công tác do Cục tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý để tự mình hoặc đề xuất Lãnh đạo Bộ kịp thời có biện pháp, giải pháp tháo gỡ, khắc phục hiệu quả, khả thi; tăng cường hoạt động phối hợp thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đơn vị trong và ngoài Bộ…
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.