Ngày pháp luật

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Đưa công tác tư pháp tiếp tục phát triển bền vững, đồng hành cùng đất nước và từng địa phương

H.Thư – T.Hằng

Năm 2022, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực để đồng hành cùng cả nước trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại một năm công tác để có những định hướng và giải pháp phù hợp trong triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành năm tới chính là những nội dung trong cuộc trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long với Báo Pháp luật Việt Nam.

Tham gia chủ động, trách nhiệm trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và trong triển khai những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước

* Nhìn lại năm 2022, với cương vị người đứng đầu, Bộ trưởng thấy ấn tượng với kết quả đạt được trong lĩnh vực nào của Bộ, ngành Tư pháp?

- Năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp đã được thực hiện theo đúng phương châm của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, bám sát các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp; đồng thời, chủ động, sáng tạo, phản ứng linh hoạt trước những diễn biến kinh tế - xã hội (KTXH) chung của đất nước cũng như của từng địa phương.

Nhờ vậy, nhiều lĩnh vực công tác của Bộ, ngành đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, toàn ngành đã tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy; tích cực, chủ động tham gia quá trình xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; tham gia xây dựng các văn bản của Đảng về phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài các phiên họp Chính phủ thường kỳ có nội dung liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tham mưu tổ chức 7 phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật - nhiều nhất từ trước đến nay, qua đó đã tiếp tục nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Với sự tham mưu trực tiếp, trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 Luật, 6 Nghị quyết QPPL, trong đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế. Bộ Tư pháp cũng đã tham gia trực tiếp, chủ động, trách nhiệm vào việc hoàn thiện các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ…

Chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao, tiến độ được đẩy nhanh hơn. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản được tăng cường. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL và các bộ, ngành, địa phương đã rà soát chuyên sâu, phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các quy định còn sơ hở, bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Công tác pháp điển QPPL đạt kết quả tích cực, hoàn thành sớm so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Công tác tổ chức thi hành pháp luật được triển khai ngày càng bài bản. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết được thực hiện tương đối kịp thời. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có nhiều đổi mới.

Đáng chú ý là Bộ Tư pháp đã cùng các Bộ, ngành tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL giai đoạn 2022-2027”. Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương và các địa phương hoạt động hiệu quả. Nhiều sự kiện tôn vinh giá trị của pháp luật với điểm nhấn là Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức thành công, góp phần lan tỏa tích cực tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội. Toàn ngành tham mưu một cách trách nhiệm trong xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh trong quản lý, điều hành KTXH của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Thể chế về THADS tiếp tục được hoàn thiện, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thi hành án. Kết quả thi hành xong về tiền tăng mạnh so với năm 2021, nhất là kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Công tác thi hành án hành chính có nhiều khởi sắc. Công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý đều có những bước phát triển mới. Lần đầu tiên nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được tăng cường, trực tiếp đồng hành cùng các doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật có nhiều dấn ấn nổi bật. Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN. Việc tham gia giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế tiếp tục đạt nhiều kết quả. Bộ Tư pháp đã tham mưu ký 2 Bản ghi nhớ hợp tác cấp Chính phủ, ký trên 10 văn kiện hợp tác cấp Bộ, trong đó có Ý định thư về Dự án hỗ trợ Bộ Tư pháp Cuba; Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Tư pháp Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tham mưu, ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự cấp nhà nước với Thái Lan; ký Chương trình hợp tác 3 năm với Bộ Tư pháp Đức.

Thể chế cho công tác xây dựng ngành có bước hoàn thiện quan trọng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, là cơ sở để kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan tư pháp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với tình hình mới. Công tác đào tạo nhân lực pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng…

Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Bộ trưởng Lê Thành Long, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đơn vị bầu cử số 2 tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 huyện U Minh Thượng và Vĩnh Thuận.
Bộ trưởng Lê Thành Long, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đơn vị bầu cử số 2 tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 huyện U Minh Thượng và Vĩnh Thuận.

* Chủ trương hướng về cơ sở và phục vụ người dân, doanh nghiệp của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục được đề cao trong năm 2022, phải không thưa Bộ trưởng?

- Quán triệt chủ trương “Hướng về cơ sở”, trong năm 2022, Bộ và các cơ quan tư pháp ở địa phương đã tổ chức nhiều chuyến công tác trực tiếp, nhiều cuộc làm việc trực tuyến thúc đẩy công việc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết các phản ánh, đề xuất, kiến nghị của cơ sở, của người dân, doanh nghiệp. Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương và giữa các Sở Tư pháp, Cục THADS với các sở, ngành cũng tiếp tục được tăng cường thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Việc trao đổi, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương được thực hiện kịp thời, thông suốt, gắn kết trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế các cấp.

Đặc biệt, thực hiện quan điểm chung của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác tư pháp, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tư pháp được đánh giá đứng đầu Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ năm 2021, kết quả đó thể hiện sự ghi nhận những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện cải cách nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Ngành Tư pháp sẽ tăng tốc trong năm 2023

* Thưa Bộ trưởng, năm 2023 được coi là năm bản lề tăng tốc thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh chung của cả nước, Bộ, ngành Tư pháp có những định hướng gì để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa trong năm tới?

- Bộ trưởng Lê Thành Long: Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2023, toàn ngành Tư pháp xác định sẽ tập trung chủ động tham mưu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; quán triệt và thể chế hóa, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

Cùng với đó, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội. Chú trọng rà soát, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp. Chú trọng và phát huy hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý những vướng mắc, nhất là những vướng mắc pháp lý trong thi hành pháp luật.

Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội, Chính phủ giao. Tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính.

Bộ, ngành Tư pháp cũng tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát huy vị trí, vai trò Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc để chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tăng cường năng lực tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Chủ động tăng cường quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp với các đối tác quốc tế theo đúng định hướng và quy định. Thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm. Nâng cao chất lượng hỗ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật …

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp này, Bộ, ngành Tư pháp đề ra một số giải pháp chủ yếu như tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong chỉ đạo điều hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2023. Kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với tình hình mới. Triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tư pháp, nhất là đối với đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở, hướng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư nguồn lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành. Đẩy mạnh công tác truyền thông về các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp và truyền thông chính sách; kịp thời chia sẻ cách làm hay, điển hình tốt trong thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, toàn ngành Tư pháp tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp này, Bộ, ngành Tư pháp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương để đưa công tác tư pháp tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp tích cực và đồng hành cùng cả nước trong phục hồi, phát triển, bảo đảm các chỉ tiêu phát triển KTXH đã đề ra.

* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin Cùng Chuyên Mục