Ngày pháp luật

Bộ pháp điển Việt Nam “về đích sớm” - Kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành ở Trung ương

Báo Pháp luật Việt Nam

Hiện nay, Bộ pháp điển đã cơ bản hoàn thành, việc xây dựng Bộ pháp điển có thể nói là “về đích sớm” trước 01 năm so với lộ trình đặt ra. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp về công tác này.

Ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển. Theo đó, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện Bộ pháp điển gồm 271 đề mục thuộc 45 chủ đề trong 10 năm (2014 - 2023).

Đến nay, sau gần 09 năm thực hiện, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 263/271 đề mục, đạt tỷ lệ 97% khối lượng Bộ pháp điển. Với kết quả như hiện nay, Bộ pháp điển đã cơ bản hoàn thành, việc xây dựng Bộ pháp điển có thể nói là “về đích sớm” trước 01 năm so với lộ trình đặt ra.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp về công tác này.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu

-Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển?

Theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg, lộ trình xây dựng Bộ pháp điển diễn ra và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023) theo 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 08 chủ đề; Giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 27 chủ đề và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 10 chủ đề. Thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã khẩn trương bắt tay vào tổ chức triển khai một cách bài bản, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao.

Thủ trưởng các bộ, ngành đã có nhiều chỉ đạo kịp thời phân công các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp điển; kịp thời bố trí nhân sự, kinh phí phù hợp cho đơn vị đầu mối cũng như đơn vị làm công tác pháp điển; xây dựng các văn bản chỉ đạo, quy chế phối hợp, quy định nội bộ nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai công tác này được thuận lợi, hiệu quả; thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển ít, đơn giản, có tính ổn định và các đề mục có liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp... đã bảo đảm kết quả pháp điển đạt chất lượng, hiệu quả, vượt tiến độ.

Qua gần 09 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực để công tác xây dựng Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng, hoàn thành vượt tiến độ. Ngày 06/9/2022, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 118/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: Quốc phòng; Tổ chức chính trị - xã hội, hội và 29 đề mục. Đây là lần thứ 08 Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển của các bộ, ngành với tổng số 250/271 đề mục của Bộ pháp điển.

Đến nay, các bộ, ngành đã tiếp tục hoàn thành thêm 13 đề mục nữa và chuẩn bị trình Chính phủ thông qua, nâng số đề mục đã hoàn thành trong Bộ pháp điển pháp điển là 263/271 đề mục. Các đề mục còn lại do hệ thống văn bản có nội dung thuộc đề mục chưa ổn định, đang được sửa đổi, bổ sung nên các bộ, ngành thực hiện sau. Các Kết quả pháp điển được Chính phủ phê duyệt đã được Bộ Tư pháp đăng tải, quản lý, duy trì trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn).

Qua việc pháp điển 263/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 08 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 09 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.

Kết quả trên là thành tích đáng ghi nhận của các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng Bộ pháp điển theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg. Công tác pháp điển là một công việc mới, khó, nhưng với quyết tâm, nỗ lực của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, công tác này đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Qua đó, công tác xây dựng Bộ pháp điển được lựa chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật Ngành Tư pháp năm 2018. Và đặc biệt, với kết quả hoàn thành Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng, vượt tiến độ, “về đích sớm” 01 năm so với lộ trình đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen để ghi nhận, biểu dương thành tích đạt được trong công tác xây dựng Bộ pháp điển (Quyết định số 1344/QĐ-TTg ngày 08/11/2022) và một lần nữa sự kiến này đang được Bộ trưởng xem xét, lựa chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật Ngành Tư pháp năm 2022.

- Xin Thứ trưởng cho biết thời gian qua, Bộ Tư pháp đã có những hoạt động như thế nào để tuyên tuyền, giới thiệu Bộ pháp điển và đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống?

Việc tuyên truyền Bộ pháp điển không phải là nhiệm vụ riêng của Bộ Tư pháp, mà còn là trách nhiệm của các bộ, ngành. Tại các Nghị quyết của Chính phủ thông qua kết quả pháp điển, Chính phủ giao Bộ Tư pháp thực hiện tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến các cá nhân, tổ chức biết và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; giao các bộ, ngành thực hiện tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh bởi các quy định trong các đề mục đã được Chính phủ thông qua.

Ngoài ra, tại các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm (năm 2018, 2020), Chính phủ đã chỉ đạo phải “đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” và “tuyên truyền rộng rãi để người dân, cơ quan, tổ chức sử dụng hiệu quả Bộ Pháp điển”.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, giới thiệu về hoạt động pháp điển cũng như Bộ pháp điển có trọng tâm, trọng điểm và đạt được những kết quả tích cực. Ngay sau khi Chính phủ thông qua kết quả pháp điển, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm sớm đưa Bộ pháp điển vào khai thác, sử dụng như: tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng làm việc liên quan nhiều đến pháp luật ở cả trung ương và địa phương; xây dựng video, in tờ rơi để tuyên truyền rộng rãi đến nhiều đối tượng; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông khác như báo chí, Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương…

Qua theo dõi, Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng, một bộ phận người dùng đã bước đầu đã chuyển từ thói quen khai thác, sử dụng văn bản QPPL riêng lẻ sang khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc. Đến nay có hơn 08 triệu lượt truy cập vào Bộ pháp điển, trung bình mỗi ngày có gần 04 nghìn lượt truy cập.

Trong thời gian tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, đưa Bộ pháp điển đi sâu, đi rộng vào xã hội như: giới thiệu tài liệu truyền thông (Tờ rơi, Video) về Bộ pháp điển, tập huấn cho báo cáo viên trung ương và cấp tỉnh về cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển để báo cáo viên tập huấn lại cho các cán bộ trong bộ, ngành, địa phương mình tiếp tục tuyên truyền về lợi ích và cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác pháp điển, Bộ Tư pháp tiếp tục đồng hành cùng các các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức các hoạt động khảo sát, lấy ý kiến đánh giá, góp ý từ phía các tổ chức, cá nhân trong xã hội đối với Bộ pháp điển để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cấp Bộ pháp điển bảo đảm khai thác hiệu quả và tiết kiệm.

- Xin Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành ở Trung ương cần có định hướng, giải pháp như thế nào để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển?

Hiện nay, hệ thống văn bản QPPL sử dụng để pháp điển rất đồ sộ, phức tạp, nhiều tầng nấc nên việc bảo đảm tính chính xác về hiệu lực đối với hơn 09 nghìn văn bản QPPL trong Bộ pháp điển là một thách thức rất lớn. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các bộ ngành sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Bộ Pháp điển và liên tục duy trì, cập nhật Bộ pháp điển bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, giúp cho các cá nhân, tổ chức tin tưởng tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển.

Thực tế hiện nay, số lượt truy cập vào Bộ pháp điển điện tử còn hạn chế, số lượng rất ít so với nhu cầu tra cứu tìm kiếm các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội rất lớn và ngày càng có xu hướng gia tăng. Do đó, Bộ pháp điển cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm dễ tra cứu, dễ sử dụng để có sức lan toả rộng rãi.

Hội nghị tổng kết việc triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg tới đây do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức là diễn đàn để Bộ Tư pháp có cơ hội thu nhận được các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan về công tác xây dựng Bộ pháp điển. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng Bộ pháp điển; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hoàn thiện thể chế về công tác pháp điển nhằm phát huy tối đa vai trò, giá trị của Bộ pháp điển trong thực tiễn đời sống xã hội.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng và xin một lần nữa chúc mừng thành tích của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành trong công tác xây dựng Bộ Pháp điển.

Tin Cùng Chuyên Mục