Phát biểu khai mạc, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp đánh giá rằng đến thời điểm này, các bộ, ngành đã hoàn thành 252/271 đề mục của Bộ pháp điển (đạt tỷ lệ 93% khối lượng của Bộ pháp điển), Bộ pháp điển về cơ bản đã hoàn thành và chuyển sang giai đoạn mới đi vào khai thác, sử dụng và tiếp tục duy trì, hoàn thiện. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là Bộ pháp điển “thực sự đi vào cuộc sống”, hỗ trợ hiệu quả cá nhân, tổ chức tra cứu và áp dụng pháp luật nên đòi hỏi sự quan tâm cao hơn nữa của các bộ, ngành trong việc duy trì, cập nhật Bộ pháp điển.
Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản tổ chức Hội thảo này nhằm trao đổi, thảo luận và kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển, qua đó nâng cao hơn kiến thức, kỹ năng cập nhật QPPL mới, hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm Bộ pháp điển được cập nhật kịp thời, chất lượng.
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp đã khái quát về tình hình cập nhật pháp điển hiện nay và trình tự, thủ tục cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển. Trong những năm gần đây (2016-2020), trung bình mỗi năm Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành khoảng 1.000 văn bản (bao gồm văn bản mới và văn bản sửa đổi, bổ sung), cơ bản, các cơ quan thực hiện pháp điển có khối lượng văn bản cần cập nhật vào Bộ pháp điển là rất lớn.
Bên cạnh đó, tại nhiều bộ ngành hiện nay, việc tổ chức triển khai thực hiện pháp điển theo cơ chế tản việc về các đơn vị chuyên môn, cùng với quy trình cập nhật và kỹ thuật pháp điển trên Phần mềm hỗ trợ pháp điển còn khá phức tạp dẫn đến tình trạng một số cơ quan thực hiện pháp điển chưa bảo đảm cập nhật kịp thời QPPL mới vào Bộ pháp điển theo quy định.
Để nâng cao kỹ năng cập nhật QPPL thường xuyên vào Bộ pháp điển của các công chức, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã trình bày ba nội dung chính: Đối tượng và cách thức cập nhật vào Bộ pháp điển; Thời hạn và thẩm quyền, trách nhiệm cập nhật vào Bộ pháp điển và Khái quát trình tự, thủ tục cập nhật QPPL mới ban hành, xây dựng lại đề mục và bổ sung đề mục, chủ đề mới.
Tiếp theo, đồng chí Trần Thanh Loan, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp điển và hợp nhất QPPL và đồng chí Phùng Thị Hương, Chuyên viên Phòng Pháp điển và hợp nhất QPPL đã tiến hành cho thực hành thực tế cập nhật QPPL mới trên Phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống QPPL. Các công chức tham gia hội thảo được các chuyên viên Cục kiểm tra văn bản QPPL hướng dẫn trực tiếp từng thao tác trên phần mềm (đăng nhập tài khoản; thu thập văn bản; cập nhật QPPL mới; tạo kết quả cập nhật;…) và đã hoàn thiện việc cập nhật QPPL mới của một số các đề mục mà đơn vị mình chủ trì, ví dụ các đề mục: Tố tụng hình sự, Giao thông đường bộ, Phòng chống tham nhũng, Đo lường, Điều ước quốc tế, Các tổ chức tín dụng, Trẻ em, Ưu đãi người có công với cách mạng, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Thú y, Quản lý ngoại thương, Hợp tác xã, Thống kê, Đo đạc và bản đồ,…
Cuối cùng, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận, nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cập nhật QPPL mới; đưa ra nhiều tình huống cập nhật thực tiễn để toàn hội thảo nắm bắt được các tình huống cụ thể và qua đó, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã có những giải đáp và giải pháp xử lý các tình huống trong quá trình tác nghiệp một số trường hợp cập nhật như sau: Ban hành Thông tư thay thế cho nhiều văn bản thuộc một đề mục; ban hành Luật mới thay thế Luật là văn bản pháp lý cao nhất tại một đề mục nhưng các văn bản hướng dẫn không đồng thời hết hiệu lực; phần mềm cảnh báo “thiếu một số điều khoản” khi tạo kết quả pháp điển; cập nhật một số QPPL có điều khoản chuyển tiếp trong văn bản được sắp xếp sau hiệu lực thi hành và tổ chức thi hành;...
Một số đại biểu cho rằng cần tổ chức thêm một số Hội thảo về việc góp ý kỹ thuật trên phần mềm theo hướng đơn giản hoá, hiệu quả để các công chức dễ dàng hơn trong việc tiếp cận.
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Hồ Quang Huy đánh giá cao tính thực tế, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của việc cập nhật QPPL mới hiện nay của Hội thảo. Theo đó, qua hội thảo, các công chức thực hiện pháp điển tại các bộ ngành về cơ bản đã nắm được quy trình cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển và có thể thực hiện cập nhật QPPL trên phần mềm.
Đồng chí Hồ Quang Huy đề nghị, các công chức tham gia sẽ luôn kịp thời, nhanh chóng cập nhật QPPL thường xuyên trong Bộ pháp điển để bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật hiện nay và bảo đảm quyền lợi của các cá nhân, tổ chức tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển. Trong thời gian tới, trước các kiến nghị, góp ý liên quan đến quy trình cập nhật QPPL vào Bộ pháp điển, Cục Kiểm tra văn bản QPPL sẽ nghiên cứu các giải pháp để bảo đảm việc cập nhật đúng thời hạn.