Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP HCM với diện tích 2.095km2 và khu vực biển Cần Giờ. Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang với diện tích khoảng 30.404 km2.
Dự kiến đến năm 2040, dân số toàn TP HCM khoảng 13 - 14 triệu người. Quy mô đất đai phát triển đô thị đến năm 2040 của TP dự kiến khoảng 100.000 - 110.000 ha.
Quy hoạch này nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất đai, bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái.
Quyết định nêu rõ, TP HCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn; trở thành trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP HCM và các địa phương lân cận sẽ được hoàn thiện từng bước và kết nối giữa các khu vực khác nhau của thành phố được đầu tư một cách chiến lược, trọng điểm và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, phát triển TP Thủ Đức theo mô hình khu đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, là một trong các động lực tăng trưởng của TP HCM và khu vực. Quy hoạch không gian đô thị TP HCM phải phù hợp với chiến lược, mô hình phát triển kinh tế biển của thành phố và vùng thành phố, thích ứng biến đổi khí hậu; tích hợp với hệ thống giao thông công cộng, kể cả giao thông ngầm công cộng và không gian đô thị ngầm xung quanh…
Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch chung cũng cần nghiên cứu vấn đề tiếp tục di dời các xí nghiệp công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành cũ; hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển và sử dụng quỹ đất hiệu quả.
Tổ chức không gian sản xuất theo chuyên ngành và thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường.