Đến tham dự Hội nghị có sự tham gia của đại diện các đơn vị: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý Vốn nhà nước, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam... và một số đơn vị trong Bộ Tư pháp.
Trong bối cảnh hậu dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành đã kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa , nhằm giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tiếp cận rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.
Trong đó, nổi bật là các hoạt động: xây dựng và phát sóng Chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; xây dựng các clip bài giảng điện tử bồi dưỡng trực tuyến về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19 và 02 hoạt động lớn của Ban Quản lý Chương trình: Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 (được vinh dự là 1 trong 10 hoạt động nổi bật của ngành Tư pháp) và Đề án: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch đã đề ra đảm bảo hiệu quả, thống nhất đúng quy định của pháp luật.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Lãm – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp trao đổi những kinh nghiệm đã thực hiện được trong năm 2022 về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành năm 2023 để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của hoạt động này nhất là sau khi Đề án: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” được ban hành.
Năm 2023, cả nước tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, đa dạng hoá thị trường … đòi hỏi công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có những hoạt động phù hợp, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước như: hỗ trợ pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chủ đề pháp luật liên quan sản xuất, kinh doanh; chú trọng các lĩnh vực pháp luật về cải cách thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận tín dụng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiếp cận đất công nghiệp, giao dịch bất động sản, cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp, đầu tư; đổi mới hình thức Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa , ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại, trực tiếp và trực tuyến; tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tăng cường nhiều hơn diễn đàn, hội nghị đối thoại về các chủ đề pháp luật; tư vấn pháp luật thông qua các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý, có thể thành lập “Tổ phản ứng nhanh” kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhỏ và vừa ; nghiên cứu, đề xuất để xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xuất phát từ vai trò, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với xã hội, sự phát triển của quốc gia, việc nâng cấp Trang thông tin điện tử thành Cổng thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là phù hợp.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã chỉ ra tổng số Hội, Hiệp hội tính đến tháng 12 năm 2021 là 93.425 Hội, gồm 571 Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, 92.854 Hội hoạt động địa phương, trong đó có 28 Hội có tính chất đặc thù. Trong số này, có khoảng 35% Hội có tính chất đại diện doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, trong đó có 2 Hội có tính chất đặc thù là VCCI và Liên minh hợp tác xã Việt Nam.
Trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp luôn là một trong những thành viên tích cực trong việc góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chủ động đề xuất nhu cầu, phản ánh nội dung những vướng mắc pháp lý phổ biến của các DN; tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hội viên trên cả nước trong khuôn khổ của chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành doanh nghiệp như xây dựng Bản tin hỗ trợ pháp lý; biên soạn các cuốn cẩm nang pháp luật kinh doanh; tổ chức Tọa đàm/Hội nghị đối thoại giải đáp vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp thông qua hệ thống mạng lưới tư vấn viên.
Phát biểu, trao đổi tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và đồng chí Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có những ý kiến từ thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong năm qua và đề xuất những cách thức mới, cách làm hay, hiệu quả hơn nữa trong năm 2023 và các năm tiếp theo đặc biệt là đối với Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 trở thành sự kiện thường niên của Bộ Tư pháp là thành công rất lớn trong công tác hỗ trợ pháp lýN nói chung.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đ/c Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, tiếp thu các ý kiến đề xuất để sang năm 2023 thực hiện tốt hơn nữa hoạt động hỗ trợ pháp lý đồng thời nỗ lực phát huy dấu ấn đã đạt được năm 2022 với Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 là một trong 10 sự kiện của Ngành Tư pháp năm 2022.