Liu Li-gang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citigroup Inc., nói rằng "cơn lũ tiền mặt" sẽ tiếp tục đổ vào các tài sản bằng đồng nhân dân tệ vào năm 2021 vì chúng mang lại lợi nhuận tốt hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.
Liu thậm chí còn dự đoán đồng tiền này sẽ tăng giá 10% lên mức 6 tệ đổi 1 USD, thậm còn cao hơn. Đồng tệ đã không còn mạnh như vậy kể từ cuối năm 1993 tới nay, thời điểm trước khi Trung Quốc thống nhất tỷ giá hối đoái chính thức và khiến đồng tiền này lao dốc.
Kết thúc chuỗi giảm vào cuối tháng 5, đồng tệ tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi từ đại dịch Covid-19. Các quỹ nước ngoài đã gia tăng nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc lên hơn 30% trong năm nay, một con số kỷ lục. Nhu cầu này được thúc đẩy bởi hàng loạt các chỉ số, cho thấy đầu tư ở Trung Quốc tốt hơn phần còn lại của thế giới.
Để làm chậm đà tăng trưởng, Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp, trong đó có hạn chế dòng tiền chảy ra. Tuy nhiên, những biện pháp đó không làm giảm sự lạc quan của các nhà đầu tư, nhất là khi đại dịch Covid-19 tiếp tục reo rắc nỗi ám ảnh trên toàn cầu trừ một vài quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào tình thế khó khăn về chính sách. Nó cần phải thu hẹp mức chênh lệch lợi suất của đồng tệ so với phần còn lại của thế giới để làm chậm sự tăng giá. Một đồng tiền quá mạnh có thể làm suy yếu nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, vốn phụ thuộc chặt chẽ vào xuất khẩu như của Trung Quốc.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc muốn giữ mức lãi suất cao vì các biện pháp kích thích trước đó của Bắc Kinh đã giúp thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng trong đòn bẩy, đưa một chỉ báo về mức nợ của quốc gia này lên mức kỷ lục.
Liu cho biết: "Vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trong năm tới sẽ là dòng vốn khổng lồ, đổ vào không ngừng. Đồng tệ tăng giá sẽ là mối đe dọa chính với kinh tế vĩ mô của Trung Quốc".
Đồng tệ của Trung Quốc đã tăng gần 10% trong năm nay so với mức thấp hồi tháng 5, biến nó trở thành đồng tiền có mức tăng trưởng tốt thứ 2 chỉ sau đồng won của Hàn Quốc. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, nhân dân tệ ở mức 6,546 tệ đổi 1 USD.
Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc cũng đã tăng lên trong những tháng gần đây do dự đoán PBOC sẽ bắt đầu thoát khỏi các biện pháp kích thích tiền tệ. Điều đó giúp mở rộng lợi thế lãi suất của đồng tệ so với đồng USD và nó đang được duy trì ở mức cao nhất từng được ghi nhận. Ngoài ra, đồng tệ của Trung Quốc còn được hỗ trợ bởi niềm tin rằng Washington sẽ ít thù địch với Bắc Kinh hơn dưới Chính quyền Joe Biden.
Tuy nhiên, đồng tệ tăng giá nhanh chóng có thể làm giảm giá trị xuất khẩu của Trung Quốc do hàng hóa trở nên đắt hơn. Điều này làm tổn hại tới tăng trưởng của Trung Quốc bởi xuất khẩu nổi lên như một động lực chính cho nền kinh tế này phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, đồng tiền tăng giá liên tục có thể hút dòng tiền đầu cơ, thúc đẩy bong bóng tài sản ở các địa phương và tạo ra rủi ro tài chính.
"Đó là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ làm chậm tốc độ tăng giá của đồng tệ. PBOC có thể nơi lỏng hơn nữa các hạn chế đối với các quỹ đầu tư muốn rời khỏi Trung Quốc và hướng tỷ giá hối đoái yếu hơn so với tỷ giá tham chiếu hàng ngày của nó. Cuối năm 2021, đồng tệ có thể ở mức 6,25 tệ đổi 1 USD", Dariusz Kowalczyk, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Credit Agricole CIB cho biết.
Lần gần nhất động tệ gần chạm mốc 6 tệ đổi 1 USD là vào tháng 1/2014, khi đồng tiền này được hỗ trợ bởi các dòng tiền nóng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã xoay sở để đảo ngược xu hướng tăng bằng cách giảm mạnh tỷ giá ấn định trong 2 ngày liên tiếp.
Stephen Chang, một nhà quản lý danh mục đầu tư của Pacific Investment Management Co. có trụ sở tại Hong Kong, cho biết: "Chúng tôi vẫn thích đồng tiền Trung Quốc tăng so với đồng USD. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng xu hướng này sẽ chậm hơn. Chúng tôi đánh giá trái phiếu chính phủ của Trung Quốc đang quá đắt".
Dù đồng tệ đang tăng giá nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua vẫn đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2018, đưa thặng dư thương mại lên mức kỷ lục. Nó cho thấy nhu cầu của thế giới đối với những mặt hàng Trung Quốc thời đại dịch Covid-19 tạo ra những lực đẩy mạnh cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Ngay cả khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu, Trung Quốc vẫn có thể gia tăng xuất khẩu với chủ lực là các sản phẩm như quần áo bảo hộ, thiết bị phục vụ làm việc học tập từ xa. Xuất khẩu thiết bị y tế của Trung Quốc cũng gia tăng và đóng góp lớn cho những con số tích cực của nước này.
Link bài gốc