Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bất chấp những hoài nghi về vị thế của Mỹ, đồng USD vẫn được xem là đồng tiền thương mại quốc tế, là loại tiền tệ mà các quốc gia khác neo vào để định giá tiền pháp định của họ và là "đồng tiền dự trữ" của hầu hết ngân hàng trung ương.
Đe dọa đồng bạc xanh
Trước Mỹ, chỉ có 5 cường quốc được hưởng quy chế "đồng tiền dự trữ" từ giữa những năm 1400 tới nay là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và Anh. Tính đến đầu năm 2020, vị thế của đồng USD đã được giữ vững suốt 100 năm liên tục.
Hiện tại vẫn thiếu những ứng viên sáng giá cho viễn cảnh soán ngôi đồng USD. Hai đồng tiền đáng chú ý là euro của châu Âu và nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn chưa nhận được sự tin tưởng cần thiết.
Các quan chức Mỹ tự tin rằng để đối phó tình trạng phong tỏa do dịch Covid-19, Mỹ có thể in thêm tiền vô hạn mà không làm suy giảm vị thế đồng tiền dự trữ của USD, thậm chí cho phép Mỹ tiếp tục thâm hụt lớn mà không gây hậu quả rõ ràng.
Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, một đối thủ mới đang dần xuất hiện - đó là tiền điện tử. Tiền mã hóa hoạt động trên nền tảng mạng ngang hàng (P2P), cho phép người mua và người bán giao dịch mà không cần đến trung gian, không bị quản lý bởi bất kỳ nhà nước nào nên được xem là các lựa chọn thay thế bảo đảm tính dân chủ và phi tập trung.
Lo ngại các ngân hàng trung ương do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đứng đầu sẽ cố gắng giảm giá trị đồng USD, nhiều người đã mua một số lượng lớn Bitcoin. Giá của Bitcoin đã tăng hơn 4 lần kể từ tháng 3 đến nay, trở thành một trong những danh mục đầu tư nóng nhất năm 2020.
Có thể thao túng Bitcoin?
Kể từ khi ra mắt vào năm 2009, người tạo ra Bitcoin đã mong muốn thiết lập nó như "vàng kỹ thuật số". Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ về độ an toàn của Bitcoin vì đây là loại tài sản nhiều biến động. "Bong bóng" Bitcoin từng vỡ chưa đầy 3 năm và hiện loại tiền ảo này có biến động giá mỗi ngày lớn hơn vàng gấp 4 lần. Điều này đặt ra câu hỏi liệu giá Bitcoin có bị thao túng hay không?
Hôm 1/12, giá Bitcoin đã rơi từ mức gần 20.000 USD xuống 18.200 USD nhưng nhanh chóng bật lên lại mức 19.400 USD chỉ trong vòng vài giờ. Điều này, theo các chuyên gia giao dịch tiền điện tử, không phải là chuyện bất thường. Nhìn lại mốc thời gian năm 2017, Bitcoin phải mất đến 5 lần điều chỉnh mới thực sự chinh phục mức đỉnh 20.000 USD.
Lý do là khi giá Bitcoin gần chạm 20.000 USD, tâm lý thị trường vô cùng hưng phấn khiến các nhà đầu tư lớn và thợ đào Bitcoin ồ ạt bán ra nhằm chốt lời. Áp lực bán tăng cao trong thời gian ngắn khiến giá Bitcoin bị suy giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lâu năm vẫn lạc quan vào triển vọng phát triển Bitcoin trong dài hạn. Nhà đầu tư Scott Melker cho rằng chốt phiên giao dịch hồi tháng 11 qua, giá Bitcoin chạm mức cao nhất mọi thời đại và biểu đồ tăng trưởng của Bitcoin đang rất tích cực.
Theo chân Bitcoin, các đồng tiền kỹ thuật số khác như Ethereum, Litecoin cũng đang tăng theo. Theo trang thống kê CoinMarketCap, khối lượng giao dịch Bitcoin trong vòng 24 giờ hôm 22/12 ở mức 44,6 tỷ USD với giá trị vốn hóa đạt 436 tỷ USD, chiếm khoảng 67,5% tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền điện tử.
Đáng chú ý, trong vòng 7 ngày tính đến hôm 23-12, đồng Litecoin (đứng vị trí thứ 5 trong CoinMarketCap) có mức tăng 39,11% - cao hơn tỷ lệ tăng 21,56% của Bitcoin. Đồng Ethereum (tiền điện tử lớn thứ hai sau Bitcoin) tăng 5,76% và đồng Bitcoin Cash (đứng thứ 6) tăng 7,11% trong 7 ngày qua.
Phương thức thanh toán tương lai
Thời kỳ thống trị của đồng USD có thể kết thúc khi thế giới dần mất niềm tin rằng Mỹ có thể chi trả các khoản nợ của họ - tương tự lộ trình khiến các đồng tiền dự trữ trước đây mất vị thế.
Bitcoin hiện đã bắt đầu tham vọng thay thế đồng USD như một phương tiện thanh toán. Các doanh nghiệp nhỏ đã sử dụng Bitcoin trong thương mại quốc tế, đặc biệt là ở các quốc gia khó kiếm USD như Nigeria hoặc đồng nội tệ không ổn định như Argentina. Trong những tuần gần đây, gã khổng lồ thanh toán PayPal và công ty con Venmo cũng bắt đầu lưu trữ Bitcoin để sử dụng trong thanh toán vào năm tới.
Theo trang tin Runrun.es, Venezuela được cho là đang giao dịch với các công ty ở các nước đồng minh như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bằng Bitcoin để giảm thiểu tác động từ lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Tổng thống Nicolas Maduro cho biết luật chống phong tỏa được thông qua hồi tháng 10 cho phép Venezuela sử dụng tiền điện tử cho thương mại trong và ngoài nước. Ngoài Venezuela, Iran cũng đang thiết lập khung pháp lý để cho phép ngân hàng trung ương mua Bitcoin trực tiếp từ các thợ đào hoạt động trong nước và sử dụng chúng mua hàng nhập khẩu.
Lực mua khủng
Theo giới chuyên gia, nhu cầu mua Bitcoin vào năm 2017 đến từ các nhà đầu tư lẻ, còn hiện nay đến từ các nhà đầu tư tổ chức. Chính vì vậy, Tạp chí Forbes dẫn nhận định của ông Danny Scott, Giám đốc Sàn Giao dịch tiền kỹ thuật số CoinCorner, cho rằng tốc độ tăng trưởng của Bitcoin sẽ tích cực hơn trong năm 2021.
Ông Scott chỉ ra nguyên nhân tăng giá Bitcoin một phần đến từ việc công ty cung cấp thông tin kinh doanh, phần mềm di động và các dịch vụ dựa trên điện toán đám mây MicroStrategy (Mỹ) đưa Bitcoin vào làm tài sản dự trữ và PayPal sử dụng Bitcoin trong mua sắm và chi tiêu cho các dịch vụ.
MicroStrategy sau khi mua khoảng 500 triệu Bitcoin kể từ đầu năm đã huy động 650 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu để mua thêm. Nối gót MicroStrategy, các công ty và một số nhà đầu tư lớn khác ồ ạt thu gom Bitcoin làm tài sản dự phòng trước nguy cơ lạm phát.
Link bài gốc