Thúc đẩy sự phát triển và sức cạnh tranh của các khu công nghiệp, khu kinh tế

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Sáng 28/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế chủ trì phiên họp.

Đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp (sau đây gọi chung là KCN), khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu (sau đây gọi chung là KKT) được hình thành và phát triển trên cơ sở đường lối “Đổi mới” đề ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển KCN, KKT liên tục được bổ sung, hoàn thiện và gắn bó mật thiết với bối cảnh, yêu cầu trong các thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của đất nước từ năm 1991 đến nay. Tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn cả nước đã hình thành hệ thống các KCN, KTT gồm: 414 KCN, 26 KKT cửa khẩu, 18 KKT ven biển.

Đồng chí Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt nội dung Tờ trình.  
Đồng chí Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt nội dung Tờ trình.  

Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; thu hút được lượng vốn đầu tư lớn; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, KCN, KKT cũng góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng.

Tuy nhiên, việc phát triển KCN, KTT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; loại hình phát triển chậm được đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; ...
Vì vậy, việc xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế và pháp luật có liên quan đến KCN, KKT; tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của các KCN, KKT; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã đề ra.

Cần củng cố nội dung sự cần thiết, tính cấp thiết xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu những đóng góp tích cực của KCN, KKT sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, chỉ ra các hạn chế, nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong phát triển KCN, KKT. Tuy nhiên, các đánh giá, nhận xét tại dự thảo Tờ trình mới ở mức sơ lược, chưa đi vào phân tích, dẫn chứng cụ thể và chưa nêu bật được sự cần thiết và tính cấp bách phải xây dựng Luật. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các nội dung phân tích (cả định lượng và định tính) làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền xem xét sự cần thiết, tính cấp thiết xây dựng Luật KCN, KKT; đồng thời làm rõ các ưu đãi về thuế được đề xuất tại dự thảo để đảm bảo phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế.

Đại diện Bộ Tài chính.  
Đại diện Bộ Tài chính.  

Còn đại diện Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc không quy định “Ban Quản lý KCN, KKT là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh” vì Ban Quản lý KCN, KKT không có chức năng quản lý nhà nước mà chỉ giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo phân cấp, uỷ quyền. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần cân nhắc việc đề xuất bổ sung nhiệm vụ thanh tra cho Ban Quản lý để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Thanh tra. Ngoài ra, đại diện Bộ Nội vụ cũng đề nghị bỏ quy định về quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ tại dự thảo Luật này.

Đại diện Bộ Nội vụ.  
Đại diện Bộ Nội vụ.  

Kết luận phiên họp, đồng chí Lê Đại Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định.

Đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế kết luận phiên họp. 
Đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế kết luận phiên họp. 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung vào 06 chính sách: Quy định về xây dựng phương hướng xây dựng KCN, KKT trong quy hoạch vùng; phương án phát triển hệ thống KCN, KKT trong quy hoạch tỉnh (1); quy định về điều kiện đầu tư hạ tầng KCN, khu chức năng trong KKT, thành lập KKT (2); quy định về ưu đãi đầu tư đối với KCN, KKT (3); quy định các mô hình KCN mới, KKT mới, khu chức năng mới trong KKT (4); quy định một số chính sách đối với các doanh nghiệp ưu tiên, hỗ trợ phát triển như công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sinh thái và các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ (5); quản lý nhà nước về KCN, KKT (6).

 

Tin Cùng Chuyên Mục