Sáng 16/7, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 781.000 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, thu nội địa đạt 56,3% dự toán (tăng 13,9%), thu từ dầu thô đạt 80,7% (giảm 12,2%), thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán (tăng 37,5%) so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,8% dự toán (tăng 17,8%), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,7% dự toán (tăng 19,9%), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 59,3% dự toán (tăng 39,6%) so với cùng kỳ.
Bộ Tài chính cho biết, cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa, đạt trên 50%. Trong đó, 48 địa phương đạt trên 55% dự toán. Có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu và một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Về chi ngân sách nhà nước, 6 tháng đầu năm ước đạt 694.400 tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán. Riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm có thặng dư. Trong đó, cân đối ngân sách Trung ương bội chi khoảng 63.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả ngân sách Trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi 4.650 tỷ đồng cho hoạt động này và tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21.500 tỷ đồng.