Thông tư 68/2024/TT-BTC ban hành ngày 18/9 chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11/2024.
Điểm nhấn của Thông tư mới là Bộ Tài chính cho phép các công ty chứng khoán (CTCK) cung cấp dịch vụ cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh chứng khoán mà không cần đủ tiền, hay còn được gọi là Non Pre-funding Solution (NPS).
Theo đó, CTCK được linh hoạt trong việc xác định mức ký quỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Mức ký quỹ sẽ được quyết định dựa trên đánh giá rủi ro thanh toán của từng nhà đầu tư và được thỏa thuận giữa CTCK và nhà đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, trách nhiệm thanh toán phần còn lại sẽ được chuyển cho CTCK nơi nhà đầu tư đặt lệnh.
CTCK có quyền công bố thông tin khi nhà đầu tư không đủ tiền thanh toán, vì vậy sẽ hạn chế được rủi ro không thanh toán đủ tiền.
Ngoài ra, CTCK có quyền bán thỏa thuận hoặc chuyển quyền sở hữu cổ phiếu đã mua cho nhà đầu tư thiếu nợ để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, việc này phải tuân thủ các quy định về hạn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Về hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu là các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền của CTCK nhưng không vượt quá hiệu số của 2 lần giá trị vốn chủ sở hữu của CTCK và dư nợ giao dịch ký quỹ chứng khoán.
Về thời gian, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu vào thời điểm T+0 và được cấp vốn vào thời điểm T+1 đến T+2.
Điều này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại.
Đây là bước tiến rất quan trọng để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell.
Kỳ vọng với chứng khoán Việt Nam
Theo Chứng khoán VNDirect, có 3 tác động tiềm năng từ việc triển khai Thông tư 68.
Đầu tiên, quy định mới sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, kỳ vọng gia tăng về dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Cuối cùng, thông tư mới kỳ vọng cải thiện tính thanh khoản của thị trường.
Báo cáo của Maybank Investment Bank đánh giá tích cực về việc sửa đổi các quy định liên quan đến yêu cầu pre-funding, xử lý giao dịch không thành công và tỷ lệ an toàn vốn của các công ty chứng khoán.
Maybank Investment Bank kỳ vọng FTSE sẽ chính thức nâng hạng thị trường Việt Nam lên trạng thái mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 3/2025 (kịch bản tích cực) hoặc tháng 9/2025 (kịch bản trung tính). Trong năm 2025-2026, tích hợp cổ phiếu Việt Nam vào các chỉ số thị trường mới nổi (EM) của FTSE.
Đồng quan điểm, Chứng khoán ACBS kỳ vọng việc nâng hạng thị trường sẽ là cột mốc đáng kể để chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, việc tháo gỡ nút thắt quan trọng trong quá trình nâng hạng được kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc tác để đảo chiều dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính trong 10 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng triền miên với tổng giá trị lên tới 76.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD) chỉ tính riêng trên HoSE.
Đổi lại, thông tư cũng tạo áp lực cho các công ty chứng khoán. Chứng khoán VNDirect cho rằng, các công ty chứng khoán cần tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến khách hàng, tỷ lệ ký quỹ, điều kiện thị trường và tỷ lệ cho vay phù hợp.
Áp lực cạnh tranh có thể làm tăng những rủi ro này theo thời gian là điều không thể phủ nhận. Thị trường có thể đối mặt với các giao dịch thất bại, trong trường hợp người mua không đủ tiền để đáp ứng nghĩa vụ thanh toán.
Quy chế xử lý tạm thời là công ty chứng khoán lấy phần cổ phiếu đó chuyển về danh mục tự doanh và xử lý sau bằng thỏa thuận hoặc bán giải chấp như hoạt động cho vay ký quỹ truyền thống.
Công ty chứng khoán bán lượng lớn cổ phiếu ra để thu hồi vốn có thể dẫn tới việc cổ phiếu giảm mạnh trong một vài phiên.
Mặt khác, các công ty chứng khoán sau khi đưa ra sản phẩm cũng cần thời gian thực tế vận hành và sửa chữa cũng như cần đánh giá lại hiệu quả.