Vào đúng ngày cuối cùng của năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120 đưa ra quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp..., qua đó được xem là sự dọn dường của cơ quan quản lý cho giao dịch bán khống và T0.
Giao dịch chứng khoán sẽ được sẽ chia thành 2 giai đoạn trước và sau khi triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Trước khi triển khai CCP, nhà đầu tư vẫn đặt lệnh mua khi có đủ tiền hoặc theo hợp đồng ký quỹ ký với công ty chứng khoán. Sau khi triển khai CCP, giao dịch của nhà đầu tư dựa trên yêu cầu có đủ tài sản ký quỹ bù trừ tại thanh viên bù trừ, công ty chứng khoán chỉ được nhập lệnh vào hệ thống khi nhà đầu tư đã đáp ứng yêu cầu.
Về giao dịch trong ngày, nhà đầu tư phải ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán trong đó phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán vay, mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong các trường hợp thiếu hụt chứng khoán. Tài khoản này sẽ được tính là tài khoản riêng biệt hoặc được quản lý riêng biệt hoặc là 1 tiểu khoản của tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư. Công ty chứng khoán cũng phải hạch toán tách biệt tài khoản giao dịch trong ngày với tài khoản thường và tài khoản ký quỹ.
Ngoài ra, công ty chứng khoán có quyền lựa chọn mã chứng khoán có trong danh sách được phép giao dịch ký quỹ để nhà đầu tư thực hiện giao dịch trong ngày.
Tùy vào tình hình thị trường, Ủy ban Chứng khoán sẽ triển khai hoạt động bán chứng khoán chờ về.
Tương tự, tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm là tài khoản riêng biệt hoặc tiểu khoản. Các chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tùy vào tình hình thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai hoạt động bán khống có bảo đảm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch bán khống có bảo đảm.
Thông tư 120 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2 - rơi đúng vào kỳ nghỉ Tết âm lịch năm nay. Thị trường chứng khoán sẽ chỉ hoạt động trở lại từ ngày 17/2 nên ngày có hiệu lực thực tế chỉ từ ngày 17/2. Tuy nhiên, các hướng dẫn trong thông tư này có lẽ vẫn chỉ mang tính đính hướng để Ủy ban Chứng khoán và các Sở tiến hành triển khai.
Trong lần gặp mặt báo chí gần đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết HOSE có thể sẽ hoàn thành hệ thống KRX cuối năm 2021 trong khi đó Ủy ban Chứng khoán cũng đang trong quá trình xây dựng hệ thống CCP. Đáng lẽ hệ thống KRX đã được triển khai cuối 2020 nhưng do Covid-19 đã khiến HOSE mất thời gian 5-6 tháng đàm phán. Phía Hàn Quốc mới cử chuyển gia chuyên gia Hàn Quốc trong chuyến bay khẩn cấp cứu trợ cuối cùng.
Ngay sau Tết Nguyên đán, HOSE sẽ triển khai test thử nghiệm với các công ty chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán đã dự phòng rủi ro Covid-19 vẫn còn kéo dài và hệ thống mới có thể phát sinh lỗi, nên sẽ có thể tới cuối năm 2021 mới đi vào vận hành.
Theo dự đoán của ông Dũng, thị trường vẫn cần thêm thời gian để nâng cấp và phải tới giai đoạn 2022-2023 Việt Nam mới chính thức được nâng hạng sau khi triển khai các thay đổi trên.
Link bài gốc