Bất ngờ hạ nhiệt…
Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 19/5, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, thị trường vốn luôn có vai trò chủ đạo, lớn gấp 3 lần thị trường vốn chủ sở hữu.
Trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung - dài hạn cho tổ chức kinh tế, đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng. Qua đó, thị trường vốn giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng.
Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).
“Trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển và lỡ nhịp chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 của quốc gia…”- ông Phòng đánh giá.
Đồng tình với nhận định này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, do thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển tương đối nóng nên thời gia qua đã có giải pháp để kiểm soát. “Trong 4 tháng đầu năm nay, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy thị trường đã được kiểm soát chặt chẽ và đã giảm nhiệt…” - chuyên gia này nhận xét.
“Sau những vụ việc “lùm xùm” trên thị trường tài chính xảy ra như vừa qua thì các quan điểm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chuyển từ thái cực mở sang quản lý chặt chẽ. Điều đó là chưa hợp lý với nguyên tắc thị trường và nếu cứ tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ khó có được một thị trường trái phiếu lành mạnh…”- Ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước lo ngại.
“Siết” quản lý nhưng không kìm hãm
Dẫn Chiến lược tài chính đến năm 2030, TS. Cấn Văn Lực cho biết dư nợ trái phiếu cần đạt quy mô 47% GDP vào năm 2025 (trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP) và 58% GDP năm 2030 (trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP). Hơn nữa, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được đánh giá tốt, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% đến năm 2030 (Theo Nghị quyết Đại hội 13).
Không những vậy, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung - dài hạn. Cụ thể, ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 - 1 triệu tỷ đồng vốn trung - dài hạn.
“Hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn. Do đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp là vô cùng quan trọng!”- chuyên gia này khẳng định.
Do vậy, để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo TS Cấn Văn Lực, cần vừa kiến tạo phát triển, vừa kiểm soát được rủi ro, trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh: “Làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp!”. Theo Luật sư, cho tới thời điểm này, chính xác là từ năm 2020, cơ sở pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp đã khá đầy đủ, thậm chí là khá chặt chẽ với nhiều giới hạn. “Chúng ta cần tập trung vào 2 vấn đề chính là thúc ép xếp hạng tín nhiệm và minh bạch thông tin!”- Luật sư Đức Lưu ý.
Cụ thể, theo Luật sư Trương Thanh Đức, trước mắt cần quy định theo cách đánh đổi.
“Nếu như anh có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần thêm điều kiện, hoặc có thêm 1-2 điều kiện. Bởi xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Nếu không chấp nhận xếp hạng tín nhiệm, thì doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện, chứ không thể cào bằng…”.
Với quan điểm cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra rủi ro, cần phải thắt chặt hơn. Luật sư thẳng thắn: “Hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác”
Uỷ viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm khi cho rằng thị trường vốn là kênh có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, chứ không thể có an toàn tuyệt đối. “Thủ tướng Chính phủ đã nói rất nhiều lần, đó là khó khăn thì phải san sẻ, lợi ích cùng hưởng…”- ông nhắc lại lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đồng thời khẳng định, trong biện pháp can thiệp thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc giám sát để bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều phải làm. “Nhưng nếu đặt thêm các chính sách, biện pháp can thiện thì cũng phải tính đến việc "đôi khi thị trường bị vỡ do sự can thiệp", cho nên cần hết sức cân nhắc…” - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội lưu ý.