Văn phòng Chính phủ vừa chuyển Bộ Xây dựng, thường trực Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản để chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của tỉnh Bình Thuận về các vướng mắc liên quan đến dự án Tổ hợp khu du lịch Thung Lũng Đại Dương (NovaWorld Phan Thiết).
Dự án có quy mô gần 1.000 ha, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD do Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận - công ty con của Novaland làm chủ đầu tư, tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết. Trong báo cáo, tỉnh Bình Thuận đã nêu 5 vướng mắc và đề xuất cụ thể hướng giải quyết các vấn đề cần tháo gỡ.
Về chủ trương đầu tư, dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận lần đầu vào tháng 7/2008 và thay đổi lần thứ 5 vào tháng 10/2014. Đến tháng 4/2019, Bình Thuận ban hành quyết định chủ trương đầu tư mới (thay thế cho hai quyết định trên), giữ nguyên quy mô, nhưng mục tiêu thay đổi thành. Trong đó có nội dung đầu tư khu biệt thự, khu phố thương mại để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án (đất thương mại, dịch vụ).
Tuy nhiên, qua rà soát UBND Bình Thuận cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về khái niệm, loại hình biệt thự để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án. Vì vậy, tỉnh nhận thấy việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với mục tiêu và các loại hình nêu trên là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Theo UBND tỉnh, chủ đầu tư đã ký khoảng 3.000 hợp đồng với khách hàng nên việc hủy bỏ hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dự án, cũng như quyền lợi khách hàng và kinh tế xã hội địa phương.
Quyết định chủ trương đầu tư cũng là căn cứ thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo. Vì vậy, tỉnh đề nghị Tổ công tác xem xét, thống nhất phương án cho giữ nguyên chủ trương đầu tư tại quyết định số 934 đã cấp tháng 4/2019.
Về cho thuê đất, dự án đã được UBND tỉnh cho thuê 8 đợt với tổng diện tích 963 ha với hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm. Việc cho thuê đất thành nhiều đợt tại thời điểm đó là do cơ quan chức năng của tỉnh nhận thức theo tiến độ thực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do dự án có quy mô rất lớn. Đồng thời, cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng nhận định việc cho thuê đất sau khi đã hoàn thành toàn bộ việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là rất khó khăn.
Tuy nhiên qua rà soát, theo chủ tưởng đầu tư đã được phê duyệt thì dự án hiện không có quy định về cho thuê đất theo tiến độ thực hiện bồi thường nên việc cho thuê đất nhiều đợt trong cùng một dự án là chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vướng mắc khi xác định giá đất cụ thể tại nhiều thời điểm. Do đó, tỉnh đề xuất xử lý lại 8 quyết định cho thuê đất thành một tại thời điểm tháng 8/2021. Đối với thời gian sử dụng đất khi xử lý sẽ tính truy thu tiền thuê đất.
Về tạm thu tiền thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do khó khăn trong việc xác định giá đất, chủ đầu tư mới tạm nộp gần 386 tỷ đồng thuê đất tính từ năm 2011 đến hết 2022. Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 67 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích đã được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê (963 ha).
Tuy nhiên, UBND tỉnh cho biết việc tạm thu tiền thuê đất như trên là chưa đúng quy định pháp luật. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất đối với dự án để công ty nộp đủ nghĩa vụ tài chính.
UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Tổ công tác xem xét, hướng dẫn xử lý trường hợp này. Cụ thể, có thực hiện thu hồi, bãi bỏ chủ trương tạm thu cho chặt chẽ, đúng quy định pháp luật không?
Đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp khi doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, theo tỉnh, cũng là chưa đảm bảo quy định pháp luật. Bình Thuận đang chỉ đạo các đơn vị xử lý, trong đó có xem xét thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Dù vậy, tỉnh cũng lo ngại có thể phải đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư bởi một số giấy chứng nhận đã thế chấp tại ngân hàng.
UBND tỉnh Bình Thuận nhận thấy đây là một vướng mắc khó, mang tính chất nhạy cảm, pháp luật chưa quy định rõ. đề xuất tổ công tác hướng dẫn nhằm giảm thiểu thiệt hại nhất cho tỉnh, cũng như nhà đầu tư.
Về việc xác định giá đất cụ thể của dự án, gồm thời điểm, phương pháp xác định giá đất và xác định giá đất khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết dẫn đến tăng hệ số sử dụng đất. Trong đó về thời điểm xác định giá đất, tỉnh đề nghị cũng cho phép xử lý lại 8 đợt thuê đất thành 1 tại thời điểm tháng 8/2021.
Về chuyển hình thức sử dụng đất sang thuê đất trả tiền một lần theo kiến nghị của chủ đầu tư. Đầu tháng 5, chủ đầu tư đã đề nghị tỉnh cho phép chuyển hình thức sử dụng đất của khu biệt thự, nghỉ dương, phố thương từ trả tiền hàng năm sang thuê trả tiền một lần.
Công ty con của Novaland đưa ra nhiều lý do, trong đó có đã và đang bán toàn bộ các công trình này cho khách hàng với quyền sở hữu công trình trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất theo thời hạn dự án. Tuy nhiên, vì trả tiền thuê đất hàng năm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện phương án kinh doanh, huy động vốn cho dự án và có khả năng gây phản ứng tiêu cực của khách hàng. Đồng thời, việc này cũng gây khó cho các cơ quan chức năng khi cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng mua biệt thự nghỉ dưỡng và khu phố thương mại.
Vì vậy, Bình Thuận kiến nghị cho chủ đầu tư được chuyển sang trả tiền thuê đất một lần với phần diện tích xây dựng biệt thự và khu phố thương mại. Theo tỉnh, đây phương án tối ưu, phù hợp với quy định pháp luật và giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc phức tạp trong hoạt động kinh doanh tại dự án, đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Theo Novaland, dự án NovaWorld Phan Thiết đã hoàn thành một số công trình và đang hoàn tất thủ tục để đưa vào hoạt động như sân gồ 36 lỗ, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu công viên giải trí và khách sạn H4 (khách sạn Movenpick). Doanh nghiệp dự kiến thi công tiếp các hạng mục còn lại theo tiến độ và giấy phép xây dựng và hoàn thành toàn bộ dự án cuối năm 2025.
Đây là một trong những dự án được Novaland tích cực khởi động lại thời gian gần đây. Chủ tịch HĐQT công ty, ông Bùi Thành Nhơn thông tin đơn vị đang nỗ lực tái cấu trúc toàn diện và đã có những tín hiệu tích cực. Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty dự kiến phục hồi từ quý 3.
Trong quý 2, các dự án trung tâm TP.HCM như The Grand Manhattan (Quận 1), Victoria Village (TP Thủ Đức) cùng các đại đô thị NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City cũng được tái khởi động dưới sự hỗ trợ của các đối tác tài chính lớn như ngân hàng TPBank, MB và BPBank… và các nhà thầu, đơn vị xây dựng giàu kinh nghiệm.
Link bài gốc