Ngày pháp luật

Thận trọng khi rót tiền vào homestay, farmstay

Theo Trí Thức Trẻ

Theo các chuyên gia, nếu có tiền nhàn rỗi, muốn có thêm các tài sản khác như homestay, farmstay… thì không vấn đề, để đó 5 năm sau sẽ sinh lời. Nhưng nếu tính đến bài toán khai thác kinh doanh thì cần thật kỹ lưỡng, vì mô hình này rủi nhiều hơn may.

Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay đang có xu hướng đầu tư Farmstay ở các tỉnh lân cận TP.HCM, vì giá đất các khu vực vùng ven ở TP.HCM tăng rất cao. Khi giá đất tăng đến mức nào đó cơ hội đầu tư không còn nên nhà đầu tư phải đi xa.

Người mua tài sản này xem đây là ngôi nhà vườn, nông trại nghỉ dưỡng, mua để nghỉ ngơi thư giãn vào cuối tuần đồng thời chờ cơ hội tăng giá trong tương lai thì được.

"Nhưng theo tôi, rất khó để thành công với mô hình homestay, farmstay nếu tính bài toán kinh doanh vì giá đất của các khu vực này đã tăng rất mạnh trong khoảng vài năm nay, chưa kể đất chủ yếu là đất nông nghiệp", ông Hiển nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, thực ra đầu tư nông trại nghỉ dưỡng không phải là câu chuyện mới, trước đây khoảng 10 năm đã có những người giàu mua 5-10ha để làm nhà vườn nhưng sau đó họ nhận ra mua đất rồi phải xây nhà, bảo trì nhà khá tốn kém, trong khi về ở xung quanh không có tiện ích. Vì vậy câu chuyện này đang "sống lại" một lần nữa với nhà vườn diện tích nhỏ hơn khoảng 1.000-2.000m2, nhưng sẽ rất khó khăn để thành công.

Thận trọng khi rót tiền vào homestay, farmstay - Ảnh 1

Ông Hiển cũng lưu ý, với các nhà đầu tư cá nhân, chỉ nên mua farmstay khi đất nông nghiệp có thể lên thổ cư được, nằm ở những vùng nào có khả năng diễn ra đô thị hóa, có dân sinh sống. Đặc biệt khi quyết định ôm hàng, nhà đầu tư phải chấp nhận chờ 5 năm, thậm chí cả thập niên mới mong có lãi.

Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, nhà đầu tư farmstay được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người thật sự bỏ phố về vườn, họ tính đến bài toán làm nông, yêu thích nông nghiệp, muốn sống ở môi trường gần với thiên nhiên. Nhóm nhà đầu tư này không tiêu quá nhiều chi phí vào nông trại nghỉ dưỡng mà tận dụng cơ hội kiếm tiền từ nghề nông. Nếu làm nông nghiệp thất bại, họ còn đường lùi là giá đất có cơ hội tăng gấp đôi gấp ba sau 5-10 năm.

Trong khi đó, nhóm thứ hai là các nhà đầu tư tậu nông trại nghỉ dưỡng vì muốn có một chốn đi về. Thỉnh thoảng họ tạt về nhà vườn chơi, nghỉ ngơi, thư giãn nếu thích. Sự khác biệt với nhóm thứ nhất nằm ở chỗ đây là người mua theo cảm xúc và sẽ phải chi không ít tiền để vận hành tài sản này.

Trên thực tế, theo vị chuyên gia này, quản lý nông trại nghỉ dưỡng khó hơn suy nghĩ thông thường của nhiều người vì không đơn giản bỏ một vài tỷ đồng mua đất. Chủ nông trại nghỉ dưỡng còn phải bỏ thêm tiền trồng cây, xây nhà, đó là chưa kể đến chắc gì trồng mà cây đã sống. Vì vậy, người sở hữu tài sản này còn phải bỏ thêm tiền hàng tháng để chăm sóc, duy tu bảo dưỡng, rất kỳ công và tốn kém. Tính sơ sơ tiền phân bón, chăm sóc cùng mất thêm trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Nếu một vài năm sở hữu tài sản nhưng không ghé về thăm, không đặt chân đến, cũng không thấy tăng giá, họ có thể đưa tài sản này vào diện thanh lý. Chỉ cần mật độ ghé thăm thưa dần, hay chi phí duy trì nông trại nghỉ dưỡng này ngày càng đội lên, khả năng người mua bán tài sản này rất dễ xảy ra.

"Tôi đã từng có một tài sản như vậy, và phải bán ra huề vốn sau vài năm sở hữu. Đó là tôi may mắn vì bán được huề vốn", ông Quang cười cho biết.

Đưa ra các lưu ý khi mua nông trại nghỉ dưỡng, ông Quang cho hay, đối với các nhà đầu tư nhóm 2, nên lưu ý chỉ mua nông trại hay nhà vườn nghỉ dưỡng ở nơi có mật độ dân số tương đối cao, phải có điện nước, kết nối đường sá tốt. Tránh con đường trước mặt vì nhiều con đường là tự làm, dễ dẫn đến những rắc rối về sau.

Bên cạnh đó, nếu là đất nông nghiệp phải nằm trong diện có thể được chuyển đổi lên thổ cư. Nếu không thể chuyển đổi lên thổ cư tuyệt đối đừng mua đất nông nghiệp vì rủi ro rất lớn.

Ngoài ra, xem xét mình có nhu cầu tài sản này hay không?, có đáng đầu tư, khai thác được không? Đôi khi mua không bao giờ dùng, không bao giờ đến là một sự lãng phí. Nếu tính bài toán kinh doanh, farmstay không phải sự lựa chọn tốt.

Xem xét thêm về tầm quan trọng, sự phát triển của khu vực đó, có phát triển được khu dân cư không, có tiềm năng về nghỉ dưỡng hay không… trước khi quyết định xuống tiền.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục