Các nhà đầu tư công nghệ lớn liên tục thoái vốn
Theo Wall Street Journal, trong vài tháng gần đây, tập đoàn SoftBank đã giảm cổ phần nắm giữ tại nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba và nền tảng thanh toán di động Ấn Độ Paytm khi cổ phiếu của 2 công ty này liên tục "trượt dốc". Cùng với đó, Berkshire Hathaway, công ty đầu tư của tỷ phú Warren Buffet, tiếp tục giảm cổ phần của nhà sản xuất xe điện BYD sau 14 năm sở hữu.
Tập đoàn Tencent trước đó từng tích lũy cổ phần của hàng trăm công ty công nghệ. Hiện nay, "ông lớn" này cũng đã thoái vốn hàng tỷ USD cổ phiếu của các công ty niêm yết. Trong khi đó, Prosus NV, cổ đông lớn nhất của Tencent, đang cắt giảm lượng lớn cổ phần của công ty trò chơi và truyền thông xã hội Trung Quốc.
Jon Withaar, quản lý mảng tình huống đặc biệt tại châu Á của Pictet Asset Management, cho rằng những nhân vật thông minh nhất đang dần rời khỏi "cuộc chơi" này.
Một số tổ chức đầu tư phải bán lượng lớn cổ phần khi đối mặt với áp lực cải thiện lợi nhuận từ các cổ đông. Việc rút tiền mặt từ các khoản đầu tư dài hạn nhắm mục đích sử dụng cho những khoản đầu tư mới hiệu quả hơn và cũng là cách nhanh nhất để cắt lỗ cho công ty.
Các cổ đông lâu năm có được mức lợi nhuận khổng lồ từ số cổ phần sở hữu từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh thu công ty sụt giảm cùng thị trường suy yếu hiện nay đã khiến nhà đầu tư cân nhắc về triển vọng dài hạn đối với các công ty công nghệ.
Kerry Goh, nhà sáng lập kiêm CEO của Kamet Capital Partners, cho rằng: “Lĩnh vực TMT (công nghệ, truyền thông, viễn thông) đã trưởng thành. Triển vọng tăng trưởng không còn cao như vài năm trước”.
Các công ty Internet của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường và cả giám sát chống độc quyền từ cơ quan quản lý. Vậy nên những đơn vị này phải tìm cách tăng doanh thu và lợi nhuận thuần túy thay vì thông qua thương vụ mua lại như trước đây.
Trong năm nay, Tencent đã bán 3 tỷ USD cổ phần của công ty internet Sea Limited. Trước đó, Tencent đã thoái vốn 16,5 tỷ USD tại nền tảng thương mại điện tử JD.com thông qua khoản cổ tức đặc biệt cho các cổ đông. Tập đoàn này sẽ tiếp tục bán 23,2 tỷ USD cổ phiếu của ứng dụng giao đồ ăn Meituan tương tự như quy trình thoái vốn của JD.com.
Steve Chow, nhà phân tích của Ngân hàng Nông nghiệp Quốc tế Trung Quốc, cho biết các nhà đầu tư hiện đã dời mục tiêu sang các công ty khác mà Tencent còn nắm giữ nhiều cổ phần như Kuaishou Technology và Pinduoduo Inc..
Tháng 11 vừa qua, James Mitchell, Giám đốc chiến lược của Tencent, cho biết sẽ xem xét mức độ tăng trưởng và lợi nhuận để điều chỉnh một số cổ phần các công ty nắm giữ. Ông cho biết tỷ lệ hoàn vốn nội bộ từ cổ phần Meituan của Tencent đã đạt mức 30%.
Không chỉ có "ông lớn" công nghệ Tencent, tập đoàn SoftBank, nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới, cũng lên danh sách dài các khoản thoái vốn để chốt lời. Hiện Softbank đang nắm giữ cổ phần tại GoTo của Indonesia và Delhivery của Ấn Độ, cả hai công ty đều lên sàn chứng khoán trong năm nay. Trước đó, SoftBank đã thoái vốn khỏi công ty môi giới bất động sản trực tuyến KE Holding và lãi hơn 1 tỷ USD.
Khoản đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba từ năm 2000 của Softbank đã "nở rộ" thành 200 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao. Đây là một trong những khoản đầu tư thành công nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, khi SoftBank thiệt hại khoảng 23 tỷ USD trong quý II/2022, CEO Masayoshi Son thừa nhận bản thân “không tỉnh táo” trong quá trình đầu tư. Vậy nên, ông đã cam kết sẽ cắt giảm khoản lỗ và quyết định thoái vốn 22 tỷ USD tại Alibaba để giúp công ty có lãi trở lại trong III năm nay.
SoftBank đã giảm cổ phần tại Alibaba và rót vốn vào các công ty khác nhưng một số thương vụ không mang về kết quả không như mong đợi. Dù đã bán 22 tỷ USD cổ phiếu Alibaba trong năm nay, tập đoàn vẫn ghi nhận khoản lỗ hơn 6 tỷ USD trong danh mục đầu tư của giai đoạn 6 tháng kết thúc vào tháng 9.
Ngày càng nhiều tổ chức đầu tư thoái vốn khỏi ngành công nghệ
Ngoài những cái tên nổi bật như SoftBank hay Tencent, nhiều tổ chức đầu tư có danh mục lớn trong lĩnh vực công nghệ như Ant, Sequoia Capital hay Tiger Global Management có khả năng thoái vốn trong năm tới.
Không chỉ Trung Quốc, thị trường Ấn Độ cũng ghi nhận nhiều đợt thoái vốn của các tổ chức đầu tư, đơn cử như SoftBank trong thương vụ với Paytm, Ant và Uber trong thương vụ với nền tảng giao đồ ăn Zomato.
Bên cạnh Trung Quốc, thị trường Ấn Độ cũng chứng kiến nhiều đợt thoái vốn do hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhiều công ty đã kết thúc trong năm nay.
Nổi bật là SoftBank. Tập đoàn này đã huy động được 200 triệu USD sau khi bán bớt cổ phần của nền tảng thanh toán di động Paytm vào tháng 11. Công ty công nghệ tài chính Ant của Trung Quốc và công ty gọi xe Uber Technologies Inc. của Mỹ cũng lần lượt thoái vốn tại ứng dụng giao đồ ăn Zomato Ltd. trong năm nay.
James Wang, Giám đốc thị trường vốn cổ phần châu Á (trừ Nhật Bản) tại Goldman Sachs, cho biết: “Thị trường năm nay có rất nhiều biến động, nhưng vẫn có quan điểm lạc quan về giá cổ phiếu cho năm tới. Thế nhưng nếu một nhà đầu tư nắm giữ lượng lớn cổ phiếu có giá trị đến hàng tỷ USD thì họ vẫn muốn thu hẹp rủi ro.”
Ông Wang cho biết thêm, các giao dịch theo khối, phát hành trái phiếu chuyển đổi và đợt chào bán tiếp theo có thể tăng trong quý I/2023. Điều này có thể tạo cơ sở cho các đợt IPO tiếp tục diễn ra sớm nhất vào cuối quý II/2023.