Theo Financial Times, cá nhân ông Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm CEO của SoftBank, đang nợ 4,7 tỷ USD vì các khoản đầu tư vào ngành công nghệ thua lỗ ngày càng nhiều. Điều này khiến số cổ phần của ông trong quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund 2 mất hết giá trị.
Hồ sơ gần đây cho thấy các khoản nợ cá nhân của tỷ phú Son đang "phình to". Trong năm qua, công ty đầu tư công nghệ SoftBank bị "đóng băng" tăng trưởng do giá cổ phiếu công nghệ và định giá của những công ty tư nhân mà SoftBank rót vốn liên tục sụt giảm.
Tuần trước, CEO SoftBank cho biết ông sẽ rút khỏi việc điều hành công việc hàng ngày của tập đoàn. Thay vào đó, ông dự định tập trung vào Arm, một công ty con chuyên về lĩnh vực chip của SoftBank có trụ sở ở Anh. Quyết định được đưa ra sau khi SoftBank công bố khoản lỗ đầu tư 10 tỷ USD trong quý III/2022.
Trước kia, SoftBank đã cấp vốn dài hạn cho CEO Son để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Khoản lỗ chồng chất từ lĩnh vực này khiến cho số nợ của ông Son với tập đoàn tăng thêm hàng tỷ USD.
Masayoshi Son sở hữu 17,25% cổ phần trong Vision Fund 2 có quy mô đến 56 tỷ USD. Hồi cuối năm 2021, tài sản của ông Son trong quỹ này tăng đến 2,8 tỷ USD. Trong quý II/2022, số cổ phần của ông chỉ còn được định giá 682 triệu USD. Đến cuối tháng 9 năm nay, phần tài sản này gần như không còn giá trị.
SoftBank vẫn chưa thu lại số tiền 2,8 tỷ USD ông Son mắc nợ liên quan đến cổ phần của ông trong Vision Fund 2. Hồi cuối năm 2021, con số này mới chỉ ở mức 4 triệu USD. Bên cạnh đó, ông Son cũng nợ SoftBank 669 triệu USD qua một thoả thuận tương tự với quỹ đầu tư của tập đoàn ở thị trường Mỹ Latin.
Hiện tại, tổng số tiền mà CEO Son nợ tập đoàn là 4,7 tỷ USD.
Việc ông Son nợ SoftBank hàng tỷ USD bị lộ khi các cổ đông tìm hiểu nguyên nhân của động thái đẩy mạnh tốc độ mua lại cổ phiếu trong những tuần gần đây. Việc mua lại này đã nâng giá cổ phiếu SoftBank lên mức cao nhất 12 tháng qua bất chấp khoản lỗ khổng lồ từ quỹ Vision Fund.
Bên cạnh số nợ trên, ông Son còn đang tự gánh 1/3 khoản lỗ tại Northstar, công ty từng đặt cược vào các cổ phiếu công nghệ với số lượng lớn trong năm 2020 và được mệnh danh là "cá voi Nasdaq".
Tính đến cuối tháng 9 năm nay, Northstar đã lỗ tổng cộng gần 6 tỷ USD, trong khi đó đơn vị đầu tư này đang tiếp tục thanh lý tài sản. Nếu khoản đầu tư này có lãi, ông Son sẽ được hưởng 1/3 lợi nhuận.
Tương tự, nếu các khoản đầu tư của Vision Fund 2 vào công ty công nghệ có lãi, nhà sáng lập SoftBank đã có thể "bỏ túi" một khoản tiền lớn mà không cần phải mang tiền riêng ra đầu tư. Thế nhưng đầu tư thất bại, khối tài sản cá nhân của người giàu nhất Nhật Bản đã mất gần 5 tỷ USD.
Trong quỹ Vision Fund 1 có hàng chục tỷ USD của các quỹ tài sản có chủ quyền ở Trung Đông. Trong khi đó, quỹ Vision Fund 2 không có nhà đầu tư bên ngoài. Hai nhà đầu tư duy nhất của quỹ này là SoftBank và CEO Son.
Vision Fund 2 là một trong số những nhà đầu tư blue-chip bị "xóa sổ" tài sản khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX sụp đổ vào tuần trước.Tổng thiệt hại ước tính của SoftBank trong phi vụ này là 100 triệu USD.
Trong cả quỹ Vision 2 và quỹ đầu tư Mỹ Latin, tỷ phú Son đều dùng cổ phần trong quỹ và một phần cổ phần sở hữu trong SoftBank để làm tài sản thế chấp vay tiền từ tập đoàn. Hơn nữa, ông còn sử dụng hình thức bảo lãnh cá nhân (Personel Guarantee) cho việc vay tiền này.