Chủ trì Hội thảo có bà Phạm Hồ Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp. Cùng tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thanh Trúc - Chuyên gia Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phạm Hồ Hương cho rằng việc hiểu rõ các nghị định, cam kết quốc tế, khuyến nghị quốc tế là nhiệm vụ quan trọng đối với tất cả các Bộ, ngành, từ đó hiểu rõ các nghĩa vụ pháp lý cũng như các vấn đề đặt ra để có thể vận dụng hiệu quả điều ước quốc tế.
Trong quá trình thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), các Bộ, ngành đã tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu cũng như hội thảo tham vấn, qua đó xây dựng góc nhìn toàn diện về Công ước trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam để thực thi hiệu quả. Trong quá trình thực hiện các công ước này, Bộ Tư pháp đóng vai trò là cơ quan giúp Chính phủ đại diện cho Việt Nam thực hiện các báo cáo rà soát và ký kết.
Thông qua Hội thảo lần này, bà Phạm Hồ Hương hy vọng các đại biểu tham dự sẽ cùng chia sẻ các góc nhìn, quan điểm cũng như thẳng thắn bày tỏ các khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành trong quá trình thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, từ đó đề xuất các giải pháp để làm tốt hơn nữa các công ước này.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Trúc - Chuyên gia Bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam hiện là thành viên tham gia những điều ước quốc tế rất quan trọng về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Đặc biệt, Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên của châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em – văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người nhận được sự phê chuẩn của nhiều quốc gia nhất.
Để tiếp tục thúc đẩy quyền trẻ em và bảo đảm mỗi trẻ em khi tiếp xúc với hệ thống tư pháp đều có sự thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, bà Nguyễn Thanh Trúc kiến nghị cần xây dựng văn bản pháp luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của trẻ em; tiếp cận chuyên môn hóa về tư pháp người chưa thành niên để các cán bộ hành pháp, tư pháp phát triển chuyên môn cần thiết khi đưa ra các quyết định vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; đồng thời thúc đẩy phát triển các chương trình xử lý chuyển hướng, các dịch vụ giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng cho người vi phạm chưa thành niên vi phạm pháp luật.