Kết quả tăng so với cùng kỳ
Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Trần Thị Phương Hoa đã báo cáo về tình hình triển khai Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và các nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Về kết quả thu hồi tài sản án kinh tế, tham nhũng 05 tháng đầu năm 2023, trong số có điều kiện, hệ thống THADS đã thi hành xong 651 việc, đạt tỉ lệ 31,39% (tăng 3,53%) so với cùng kỳ năm 2022; về tiền thi hành xong 17.383 tỷ 176 triệu 414 nghìn đồng, đạt tỉ lệ 31,39% (tăng 17,40%) so với cùng kỳ năm 2022.
Về kết quả thu hồi tài sản án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, trong tổng số 133 vụ việc, đến nay đã thi hành xong 45 vụ việc; 07 vụ việc đã xử lý xong hết tài sản, đã xác minh và phân loại chưa có điều kiện thi hành án; đang tiếp tục tổ chức thi hành 65 vụ việc và 16 vụ việc cơ quan THADS chưa thụ lý ra quyết định thi hành án do Tòa án chưa xét xử phúc thẩm hoặc cơ quan THADS chưa nhận đủ tài liệu, bản án.
Về tiền, tổng số phải giải quyết là 150 nghìn 087 tỷ 353 triệu 424 nghìn đồng; số đã thi hành xong là 73 nghìn 417 tỷ 877 triệu 032 nghìn đồng; riêng 05 tháng đầu năm 2023, đã thi hành xong 17.025 tỷ 644 triệu 484 nghìn đồng.
Tuy kết quả thi hành xong về việc và về tiền tăng cao so với cùng kỳ, song kết quả 05 tháng năm 2023 chưa đạt tỷ lệ giao chung về việc, về tiền năm 2023; giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Ngoài ra, Lãnh đạo Tổng cục THADS cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế; về đối tượng tài sản để bảo đảm thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thực tiễn đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc làm kéo dài quá trình tổ chức thi hành án. Trên cơ sở đó phân tích các nguyên nhân và đề ra nhiệm vụ, giải pháp 7 tháng cuối năm 2023.
Phối hợp để thống nhất cơ chế xử lý tài sản
Để thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp có văn bản đề xuất Ban chỉ đạo Trung ương có văn bản gửi Ban chỉ đạo cấp tỉnh đề nghị tùy thuộc vào tình hình thực tiễn địa phương, đặc biệt là địa phương có số tiền phải thu hồi lớn cần xem xét, bổ sung Cục trưởng Cục THADS vào thành phần Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Đồng thời đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp nghiên cứu, có văn bản đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương có ý kiến đề nghị Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao thống nhất quan điểm trong hệ thống Tòa án về quan điểm xử lý đối với các tài sản Bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án.
Tại cuộc họp, Lãnh đạo một số đơn vị đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề: công tác thanh tra hoạt động đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá tài sản tại một số địa phương; kiến nghị tăng cường, biệt phái Chấp hành viên cho địa phương có lượng án kinh tế, tham nhũng lớn; làm rõ giá trị pháp lý của biên bản thỏa thuận phân chia tài sản vợ chồng trong án tham nhũng, kinh tế để tránh tình trạng tẩu tán tài sản; phân tích nguyên nhân tài sản trong các vụ án hình sự, tham nhũng khó bán, giá trị thấp; nghiên cứu làm rõ, nhiệm vụ thẩm quyền của cơ quan THADS trong quá trình xử lý tài sản trong các vụ án này; vướng mắc trong thi hành án có yếu tố nước ngoài...
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu Tổng cục THADS phối hợp các đơn vị tiếp tục rà soát các nhiệm vụ tại Chỉ thị 04 để tham mưu Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp triển khai các công việc; phối hợp Ban Nội chính trung ương để xây dựng các báo cáo định kỳ, hàng năm về kết quả thu hồi tài sản án tham nhũng kinh tế; rà soát, thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương sau mỗi kỳ họp.
“Tiến độ nhiều vụ việc còn chậm xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân khách quan, do vậy Lãnh đạo Tổng cục, Thủ trưởng cơ quan THADS phải đối mới phương thức chỉ đạo theo hướng sâu sát hơn, có nhiều việc Tồng cục THADS phải trực tiếp tham gia chỉ đạo, xử lý”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu đối với kế hoạch tổ chức thi hành án phải xác định rõ tiến độ; các cơ quan THADS chủ động phối hợp tháo gỡ các vướng mắc; tiếp tục theo sát, ngăn ngừa các vi phạm trong THADS và chú trọng hoàn thiện công tác thể chế. Cùng với đó, cần đảm bảo nguồn lực cho các địa bàn trọng điểm như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Ghi nhận cố gắng của hệ thống THADS trong công tác xử lý, thu hồi tài sản án tham nhũng, kinh tế, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu Tổng cục THADS nghiên cứu về việc chuẩn bị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 04; xác định rõ các nhiệm vụ Bộ Tư pháp được giao thực hiện.
Bộ trưởng nhất trí với đề nghị của Tổng cục THADS về việc tổ chức họp liên ngành để thống nhất quan điểm xử lý đối với các tài sản Bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án, thống nhất cơ chế về xử lý tài sản chung, tài sản riêng do cơ quan THADS xác minh và truy tìm được trong giai đoạn THADS... Cùng với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục nghiên cứu cơ chế điều động, biệt phái Chấp hành viên tới địa bàn trọng điểm đảm bảo phù hợp.