Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.
Xu thế này là lựa chọn tất yếu khách quan, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Lựa chọn tăng trưởng xanh cũng được coi là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia.
Cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới hài hòa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, các giá trị văn hóa cốt lõi được truyền tải, chia sẻ và thấm nhuần trong chính lối sống của con người.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thế giới đang chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng việc ngày càng gia tăng sự kết nối giữa các quốc gia trên toàn cầu. Xu hướng đầu tư cho các hoạt động sản xuất thông minh nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công nghiệp và nông nghiệp thông minh… đang trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và phục hồi sau suy thoái kinh tế là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ khắp thế giới. Đại dịch Covid-19 cũng đang làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự chuyển dịch mạnh mẽ của kinh tế số.
Bên cạnh những thách thức, Covid-19 cũng tạo cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về những mối đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe cũng như tận dụng những thay đổi tích cực từ chính đại dịch. Điều này đòi hỏi phải có những phản ứng chính sách một cách toàn diện từ phía các chính phủ. Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh nên hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, và gia tăng các yếu tố tác động từ bên ngoài. Mặt khác, Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, đồng thời đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu Covid-19.
Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Do đó, việc xây dựng “Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050” phù hợp với bối cảnh mới là mục tiêu và ưu tiên cấp thiết giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, bình đẳng về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển; hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia.
Tăng trưởng xanh góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước các cú sốc bên ngoài.
Về một số nội dung chủ yếu của Chiến lược, theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT), Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh 2030 kế thừa có chọn lọc các kết quả của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020, hoàn thiện phương pháp luận để định lượng các mục tiêu và lộ trình thực hiện.
Các kịch bản tăng trưởng xanh cho toàn bộ nền kinh tế và từng ngành ưu tiên được xây dựng thông qua việc sử dụng các mô hình kinh tế kết hợp với các mô hình ngành, đặc biệt chú trọng phân tích chi phí - lợi ích và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Chiến lược, đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với các mục tiêu SDGs và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.
Chiến lược thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ và gắn kết của Việt Nam trong hiện thực hóa các cam kết quốc tế và là cơ sở để cân đối các nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực quốc tế hiệu quả, hài hòa lộ trình phát triển kinh tế-xã hội với các mục tiêu giảm phát thải, giúp tăng cường hiệu quả phân bổ đầu tư công và giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong trung hạn và dài hạn.
"Chiến lược là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam xây dựng xã hội nhân văn hướng tới phát triển bao trùm, mở rộng độ bao phủ đối với các ngành còn ít được quan tâm trong quá trình thực hiện Chiến lược giai đoạn trước như giáo dục, y tế, trẻ em,…", ông Lê Việt Anh nói.
Đại diện các bộ, ngành, Đại sứ quán (Hàn Quốc, Hà Lan, Anh Quốc…), tổ chức quốc tế, đối tác phát triển (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, UNDP, UNIDO, UNICE, GiZ, KOICA, AFD, USAid, SNV, HSS…) cùng các chuyên gia đã có nhiều ý kiến góp ý sâu sắc và nhất trí cao với những điểm mới, khả thi; đặc biệt là tính tổng thể bao trùm nhưng định lượng được của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn tới đây và tin tưởng Chiến lược sẽ hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam với sự đồng lòng của tất cả các bên liên quan. Các quốc gia, đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Chiến lược.
Link bài gốc