Quy luật ngũ hành trên bàn trà
Theo triết học Đông phương, vạn vật trên thế gian này đều bắt đầu từ Ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, theo vòng tương sinh hay tương khắc mà quyết định sinh sôi, phát triển hay lụi tàn.
Hàng trăm vạn năm trước, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy. Cho đến nay, mọi sự đều tồn tại và phát triển theo quy luật bất biến đó. Tất nhiên, trong cái bất biến sẽ có cái khả biến. Trong cái khả biến sẽ có cái phải mất đi để nhường chỗ cho cái mới.
Những chân lý trên, nghe thì có vẻ xa lạ và khó hiểu. Nhưng chỉ cần nhìn ngắm tách trà và đắm mình vào không gian thưởng trà thì bất kỳ nhã khách nào cũng có thể ngộ ra được.
Bộ ấm trà được làm từ đất, mang trong mình nguồn năng lượng Thổ. Chính vì "đức dày tải vật", nên bộ ấm có thể rất lớn, cũng rất nhỏ, có thể rất nặng mà cũng rất nhẹ.
Trong Thổ tàng Kim, hay nói cách khác Thổ sinh Kim, là do bản thân ấm tử sa mang trong mình những thành phần khoáng vi lượng, mà khi ủ trà sẽ giúp chất trà toát ra được hương thơm thanh khiết của nó.
Có Thổ có Kim, có ấm có chén, phải có nhiệt mới hãm được trà. Nhiệt dù là ngọn lửa hay nhiệt năng từ bến điện cũng đều là Hỏa. Dùng Hỏa để đun sôi nước là Thủy, tượng trưng cho quẻ Thủy Hỏa Ký Tế, là tượng của sự quân bình. Bởi lẽ, nước quá đầy sẽ tràn ra làm tắt lửa, lửa quá lớn sẽ làm nước bốc hơi mà cạn kiệt.
Cuối cùng, trà là nhân vật chính trong câu chuyện, cũng là yếu tố duy nhất mang theo sự sống, thuộc hành Mộc, tạo nên sự khép kín của vòng tương sinh trong Ngũ hành.
Xâu chuỗi lại, không có ấm (Thổ) không có nơi để chứa đựng trà, không có khoáng chất (Kim), trà (Mộc) không tự mình tỏa hương. Nước (Thủy) không có nhiệt độ (Hỏa), làm sao có thể để trà đạt đến hương vị tinh nguyên.
5 yếu tố, thiếu một không thể có được một tách trà nguyên vị. Cũng như con người, lấy nhân là gốc, sau đó phải hoàn thiện đủ lễ, nghĩa, trí, tín mới trở thành người. "Tu thân" rồi mới nói đến chuyện "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".
Chuyện vạn vật vun đắp trong chén trà âu cũng từ ngũ hành mà làm nên “bản ngã”.
Ngũ hành tương ứng hưng vong một triều đại
Không chỉ phản chiếu trên bàn trà nhỏ bé, người xưa còn đem quy luật sinh khắc chế hóa của Ngũ hành vào việc suy đoán cát hung phúc họa của mỗi người, hay còn dùng vào việc luận đoán sự thay đổi của các triều đại xưa, vậy nên mới có thuyết gọi là "Ngũ đức chung sử thuyết".
Học thuyết này do Trâu Diễn thời Chiến Quốc đề xuất dựa trên cơ sở thuyết Ngũ hành sinh khắc chuyển dịch tuần hoàn. Hay nói đơn giản, mỗi một triều đại đều chịu một năng lượng Ngũ hành nào đó chi phối.
"Ngũ đức" trong học thuyết này dùng để chỉ 5 loại đức tính Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín đại diện cho 5 ngũ hành Mộc - Hỏa - Kim - Thủy - Thổ; tương ứng là Mộc đức, Hỏa đức, Kim đức, Thủy đức, Thổ đức. Điều nổi tiếng nhất của học thuyết này là giải thích được sự luân hồi của các triều đại từ góc độ của Ngũ hành tương sinh, tương khắc và có ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế.
Khi một vị đế vương nào đó hưng khởi thì thiên tinh sẽ biểu hiện trước điềm tốt lành, điềm lành này vừa vặn phù hợp với "đức" của một Ngũ hành tương ứng. Hơn nữa, triều đại đó cũng phải thống trị dựa vào "đức" này mới có thể đạt được thành tựu và tồn tại lâu dài được.
Đến khi "đức" này dần dần suy yếu, cũng chính là thời điểm vương triều đó chuẩn bị đi đến bước lụi tàn. Cùng lúc này, vương triều tiếp theo sẽ có một "đức" trong trình tự ngũ đức kế tiếp sẽ xuất hiện, thay thế đi triều đình cũ đang bị suy yếu.
Theo các nhà lý luận Âm dương Ngũ hành, tính toán số ngũ hành mà mỗi một triều đại phụ thuộc thì nhà Hạ thuộc Mộc, nhà Thương thuộc Kim, nhà Chu thuộc Hỏa, nhà Tần thuộc Thủy, nhà Hán thuộc Hỏa, nhà Ngụy (thời Tam Quốc) thuộc Thổ.
Một điển tích về học thuyết này cũng được ghi chép lại trong cuộc "Tam quốc diễn nghĩa", khi kể lại việc Tào Tháo mật nghị bàn với mưu sĩ của việc dời dô thì Thái sử Lệnh Vương Lập nói riêng với Tống chính Lưu Ngãi rằng: "Tôi ngửa trông thiên văn, từ mùa xuân năm ngoái sao Thái Bạch phạm Trấn tinh ở vùng chòm Đẩu, Ngưu qua Bến Trời, sao Huỳnh hoặc lại đi ngược gặp với sao Thái bạch ở Thiên quan, sao Kim và sao Hỏa hội hợp với nhau, tất sẽ có Thiên tử mới xuất hiện. Tôi xem khí vận Đại Hán sắp hết, trong đất Tấn Ngụy ắt có người nổi lên".
Lại mật tâu với Hiến đế: "Mệnh trời có kẻ đi người ở, ngũ hành thịnh suy bất thường. Thay Hỏa là Thổ, thay Hán mà có được thiên hạ đương nhiên là ở Ngụy". Trấn tinh tức Thổ tinh nằm ở giữa ngũ tinh, Thái Bạch tức Kim tinh ở phương Tây, "Thái Bạch phạm Trấn tinh vu Đẩu, Ngưu" là nói sao Kim ở phương Tây vận hành vào trung ương cùng phạm vào trấn tinh ở vùng hai chòm sao Đẩu, Ngưu; sau đó qua Bến Trời đến Thiên quan.
Huỳnh hoặc tức sao Hỏa ở phương Nam. Sao Hỏa đi ngược lại cùng đến Thiên quan, sao Kim vào sao Hỏa cùng gặp nhau tại vùng sao Thiên quan. Căn cứ biến đổi tinh tượng này, Vương Lập đoán "ắt là có Thiên tử mới xuất hiện".
Mưu sĩ hàng đầu của Tào Tháo là Tuân Úc nghe được lời của Vương Lập, theo học thuyết này khuyên Tào Tháo dời đô về đất Hứa: "Nhà Hán lấy đức Hỏa làm vua, còn minh công lại mệnh Thổ. Hứa đô thuộc Thổ đến đó tất hưng thịnh. Hỏa có thể sinh Thổ, Thổ có thể vượng", chính là hợp với lời của Đổng Chiêu và Vương Lập, tất sau này sẽ phát mạnh. Đúng như vậy, khi dời đô về Hứa Xương, thế lực của Tào Tháo ngày một lớn mạnh, thanh thế cùng ngày càng vững vàng .
Học thuyết "Ngũ đức chung sử thuyết" được lịch sử thừa nhận rộng rãi. Hơn nữa, quan viên các triều đại đều dùng học thuyết này để thảo luận chính thức nhằm xác định vận đức của triều đại đó mà bộc bạch với thiên hạ. Bởi, dù cho thế lực có lớn mạnh đến đâu, quân đội có hùng dũng thế nào; nhưng sau khi lật đổ triều đại trước, nếu không chứng minh được thực lực và đức độ của mình là "thuận theo thiên ý", thì khó có thể khiến lòng dân tin phục mà cũng khó có thể tồn tại lâu dài được.
Thế nhưng, học thuyết này ít được mọi người biết đến là do các triều đại không chính thức tuyên cáo mình thuộc "đức" nào, nhưng các vị Hoàng đến xưa đều tự xưng là "Phụng thiên thừa vận Hoàng đế" chính là xuất phát từ tư tưởng này.
Dù không nói rõ nhưng bằng nhiều hình thức, thế hệ sau có thể phần nào đoán được những triều đại xưa thuộc "đức" nào, nhất là thông qua màu sắc mà các vị Hoàng đế sử dụng.
Thời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng tôn sùng màu đen nên từ Hoàng bào đến cờ xí(*) đều màu đen. Hơn nữa, chính "Sử ký: Tần Thủy Hoàng bổn ký" cũng xác nhận điểm này: "Thủy hoàng suy chung sử ngũ đức chi truyền, dĩ vi Chu đắc Hỏa đức, Tần đại Chu đức, chúng sở bất thắng. Phương lệnh Thủy đức chi thủy, cải niên thủy, triều hạ giai kỷ thập nguyệt sóc, Y phục mao tinh tiết kỳ giai thượng hắc".
(Tạm dịch nghĩa là: Hoàng đế khởi thủy dùng chung sử ngũ đức mà truyền, vì nhà Chu là Hỏa đức, nên Tần triều [Thủy đức] bất khả chiến bại Chu đức. Từ nay khởi đầu Thủy đức, khởi đầu niên đại mới, triều đại bắt đầu từ mùng một tháng mười. Y phục, cờ xí đều màu đen).
(*) Cờ xí: là cờ dùng để đón rước, trang trí trong các dịp lễ lớn
Còn thời Đường của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ chuộng sắc vàng. Còn viết trong "Phong thái sơn ngọc điệp văn": "Thiên khải Lý thị, vận hưng Thổ đức", từ đó có thể thấy rằng nhà Đường là Thổ đức.
Trong những triều đại theo Hỏa đức, sắc phục sẽ theo màu đỏ. Nhưng do kỹ thuật nhuộm vải thời bấy giờ và việc bài trừ những màu sắc quá chói mắt, nên màu đỏ truyền thống có màu đậm hơn và dịu hơn như màu đỏ thẫm, đỏ hồng... giúp mọi người có thể dễ chấp nhận hơn. Lấy cung điện của triều Minh và triều Thanh làm ví dụ, màu đỏ chu sa trên tường cung điện được pha lẫn giữa màu cam, màu đỏ và màu xám; chứ không phải là màu đỏ hiện đại.
Hơn nữa, những màu sắc theo các "đức" của những triều đại này chỉ sử dụng trong hoàng gia, dân thường không được phép sử dụng. Hoặc nếu muốn sử dụng, chỉ được dùng màu có sắc độ nhạt hơn, và chỉ được dùng trong những nghi lễ lớn.
Tất nhiên, màu sắc nào cũng có những câu chuyện dân gian hay huyền bí phía sau. Nhưng giới hạn bài viết này chỉ muốn đề cập đến thuật Ngũ hành đã được ứng dụng thế nào vào việc luận đoán chuyển biến của các triều đại.
Như vậy mới thấy, quy luật dù hình thái nào cũng có thể vận dụng triệt để. Dù cho là sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia, hay chỉ là sự kết hợp của một bàn trà nhỏ nhoi.
Đối với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, văn hoá phương Đông từ lâu đã trở thành niềm đam mê và lẽ sống của anh. Những gì Hồng Kỳ nghiên cứu thường "không giống" người khác.
Cách đây 10 năm, anh đã từ bỏ vị trí giám đốc một công ty có hơn 1000 nhân viên để ra nước ngoài theo đuổi con đường nghiên cứu về huyền học phương Đông, bao gồm Ngũ thuật Sơn - Y - Bốc - Mệnh - Tướng.
Tốt nghiệp Học viện Mastery Academy tại Malaysia, Hồng Kỳ còn thọ giáo nhiều chuyên gia phong thủy nổi tiếng trên thế giới. Về Việt Nam, Nguyễn Hữu Hồng Kỳ tiếp tục con đường nghiên cứu của mình với Trà.
Từ đây, những chuyến đi khám phá lại bắt đầu. Ban đầu anh đến Hà Giang, Lào Cai... để đưa những búp trà cổ thụ thuần Việt đến gần với mọi người hơn.
Sau đó là những chuyến đi về các vùng danh trà của Trung Quốc, Đài Loan và thậm chí Australia, Mỹ, châu Âu... để viết nên những trải nghiệm về "con đường trà" của riêng mình.
Qua nhiều năm tháng trải nghiệm, người đàn ông ấy sắp bước vào độ tuổi ngũ tuần nhưng vẫn bừng bừng đam mê và nhiệt huyết, vẫn đang ấp ủ nhiều kế hoạch lớn lao hơn nhằm đưa văn hóa phương Đông đến gần hơn với mọi người, nhất là lớp trẻ; đồng thời cũng đưa văn hóa phương Đông ra ngoài khuôn khổ châu Á.