Tản mạn đường trà - Bài 6: Sự thành, bại khi pha một ấm trà ngon quyết định bởi yếu tố này

Nguyễn Hữu Hồng Kỳ

Nước có trong thì trà mới toát được hương vị thanh thoát, nếu nước đục, trà có quý đến đâu cũng chẳng có giá trị gì.

Theo kinh nghiệm của cổ nhân, để có được một ấm trà ngon cần hội tụ đủ 4 yếu tố: "Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm".

Tất cả những yếu tố này, thiếu đi một không thể có được ấm trà ngon, hơn nữa vị trí cũng không được thay đổi.

Nước là bạn của trà, cũng là tri kỷ của trà

Cổ nhân đã đặt cho nước pha trà một cái tên rất hay, mà thế hệ sau thường dùng để gọi những người có chung một niềm đam mê trà với mình, đó là "trà hữu". Nghĩa là, nước là bạn của trà, cũng là tri kỷ của trà. Nước có trong thì trà mới toát được hương vị thanh thoát của mình, nếu nước mà đục thì trà có quý đến đâu cũng chẳng có giá trị gì.

Nước pha trà có nhiều loại như nước giếng, nước suối, nước sông hay nước mưa.
Nước pha trà có nhiều loại như nước giếng, nước suối, nước sông hay nước mưa.

Nước pha trà có rất nhiều loại: nước giếng, nước suối, nước sông hay nước mưa. Nhưng thời xa xưa, các bậc tiền nhân thường dùng nước suối để pha trà. Trong điển tích cũng có câu nói rất nổi tiếng về vấn đề này: "Sơn thủy thượng, giang thủy trung và tĩnh thủy hạ".

Sơn thủy thượng nghĩa là nước từ đầu nguồn chảy về, lấy pha trà là ngon nhất. Giang thủy trung là nước ở giữa dòng sông dùng để pha trà là ngon thứ nhì. Còn tĩnh thủy hạ là nước giếng trên núi lấy pha trà ngon thứ ba.

Trong mỗi nguồn nước cũng chia thành nhiều thứ bậc. Ví như nước lấy từ đầu nguồn, chảy xiết và mạnh, dùng để pha trà thì trà nhanh chín nhưng cũng khiến cho hương vị của trà mau tan.

Cũng là nước suối, nhưng nếu lấy nước ở cuối dòng - phần nước tích tụ không còn lưu thông, chứa thêm phù sa và tạp chất, khi pha trà sẽ không đạt và không đánh thức được hương của trà.

Chính vì vậy, những bậc lão niên ngày xưa thường chọn nước giữa dòng, là nơi nước hiền hòa, lưu thông nhẹ nhàng để pha trà mới là tốt nhất.

Tản mạn đường trà - Bài 6: Sự thành, bại khi pha một ấm trà ngon quyết định bởi yếu tố này - Ảnh 1

Đặc tính của nước có thể biến đổi nước trà

Một điển cố được chép trong "Cảnh thế thông ngôn" có bàn về đặc tính của nước, mà khi dùng để pha trà những người sành sỏi có thể nhận định được nước từ đâu đến.

Cuốn sách "Cảnh thế thông ngôn có kể lại cố sự về Vương An Thạch và Tô Đông Pha. Vương An Thạch là một nhà văn nổi tiếng cũng là người nắm giữ chức Tể tướng thời nhà Bắc Tống, là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc. Trong khi đó, Tô Đông Pha là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

Chuyện chép lại rằng Vương An Thạch bị chứng sổ mũi, và uống trà được pha với nước sông Trường Giang tại vùng Trung Hiệp sẽ rất tốt cho sức khỏe của ông. Khi Vương An Thạch nghe nói rằng Tô Đông Pha sẽ trở về Tứ Xuyên để thăm gia đình, ông đã nhờ Tô Đông Pha mang về một ít nước ở đó. Khi Tô Đông Pha trở lại, ông đã mang về cho Vương An Thạch một chút nước. Vương An Thạch ngay lập tức đun sôi nước này và đem pha trà. Mất một lúc trà mới ngấm vào nước.

Vương An Thạch hỏi Tô Đông Pha: “Đây có phải nước từ Trung Hiệp hay không?” Tô Đông Pha trả lời: “Sao thế, à. Tất nhiên là như vậy rồi.” Vương An Thạch cười nói: “Ông nói dối. Rõ ràng nó là nước từ Hạ Hiệp.”

Tô Đông Pha sững sờ và phải thú nhận ngay. “Tôi đã tận hưởng phong cảnh tại Tam Hiệp nhiều đến mức quên mất lời nhờ vả của ông. Đến khi tới Hạ Hiệp thì tôi mới nhớ ra.” Ông đã quyết định lấy một ít nước ở đó và nghĩ rằng sẽ không có sự khác biệt nào.

Vương An Thạch nói: “Trong cuốn Sơn Thủy Kinh Chú có ghi chép những quan sát kỹ lưỡng về đặc điểm của nước sông Trường Giang. Nước tại Thượng Hiệp chảy quá nhanh, còn nước tại Hạ Hiệp lại chảy quá chậm. Nước tại Trung Hiệp chảy vừa phải. Bệnh của tôi là do ‘trung tiêu’, và do đó cần nước sông tại Trung Hiệp để mở kinh mạch. Nước sông Dương Tử mà pha trà thì nước ở Thượng Hiệp làm trà bị nồng, nước ở Hạ Hiệp làm trà bị nhạt, nước ở Trung Hiệp là vừa phải. Hôm nay trà ngấm vào nước rất chậm, cho nên tôi biết đây là nước từ Hạ Hiệp.” Tô Đông Pha bèn tạ tội.

Ngày nay, câu nói này dường như không mang nhiều ý nghĩa, nhất là khi những thú vui tao nhã dễ chịu sự tác động của thời đại. Hơn nữa, con người ta bắt đầu chú trọng vào hình thức, hay đẳng cấp khi thưởng trà; chứ ít để ý đến chiều sâu văn hóa và khả năng lĩnh ngộ thông qua việc uống trà.

Thưởng trà là cách thưởng thức thời gian trong từng giây phút lắng đọng, không có thứ âm thanh hỗn tạp nào của cuộc sống có thể xen ngang được. Tất cả đều được đưa về trạng thái tĩnh lặng và hiền hòa nhất, như bản chất của nước vậy.

 
Tản mạn đường trà - Bài 6: Sự thành, bại khi pha một ấm trà ngon quyết định bởi yếu tố này - Ảnh 2

Đối với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, văn hoá phương Đông từ lâu đã trở thành niềm đam mê và lẽ sống của anh. Những gì Hồng Kỳ nghiên cứu thường "không giống" người khác. 

Cách đây 10 năm, anh đã từ bỏ vị trí giám đốc một công ty có hơn 1000 nhân viên để ra nước ngoài theo đuổi con đường nghiên cứu về huyền học phương Đông, bao gồm Ngũ thuật Sơn - Y - Bốc - Mệnh - Tướng. 

Tốt nghiệp Học viện Mastery Academy tại Malaysia, Hồng Kỳ còn thọ giáo nhiều chuyên gia phong thủy nổi tiếng trên thế giới. Về Việt Nam, Nguyễn Hữu Hồng Kỳ tiếp tục con đường nghiên cứu của mình với Trà.

Từ đây, những chuyến đi khám phá lại bắt đầu. Ban đầu anh đến Hà Giang, Lào Cai... để đưa những búp trà cổ thụ thuần Việt đến gần với mọi người hơn. 

Sau đó là những chuyến đi về các vùng danh trà của Trung Quốc, Đài Loan và thậm chí Australia, Mỹ, châu Âu... để viết nên những trải nghiệm về "con đường trà" của riêng mình.

Qua nhiều năm tháng trải nghiệm, người đàn ông ấy sắp bước vào độ tuổi ngũ tuần nhưng vẫn bừng bừng đam mê và nhiệt huyết, vẫn đang ấp ủ nhiều kế hoạch lớn lao hơn nhằm đưa văn hóa phương Đông đến gần hơn với mọi người, nhất là lớp trẻ; đồng thời cũng đưa văn hóa phương Đông ra ngoài khuôn khổ châu Á.