Ngày pháp luật

Tạm giữ thế 'độc quyền' trung gian thanh toán giữa các ngân hàng, Napas đang kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày?

Quỳnh Chi

Napas là đơn vị trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam.

Dịch vụ của “trùm” chuyển mạnh tài chính bị gián đoạn

Hai ngày 28/10/2024 và 1/11/2024, nhiều ngân hàng như Techcombank, ACB, Agribank đã có gián đoạn dịch vụ qua CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) trong 60 phút, từ 0h00 đến 1h00. Tại khoảng thời gian này, Napas thực hiện diễn tập chuyển đổi hệ thống kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống. Do đó, nhiều tính năng liên quan đến thanh toán của Napas tại một số ngân hàng sẽ tạm thời bị gián đoạn.

Napas tiền thân là liên minh thẻ Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) được thành lập vào năm 2004. Ba năm sau, một liên minh thẻ khác là Smartlink ra đời. Hai công ty đều có nhiệm vụ chuyển mạch kết nối, cung cấp dịch vụ liên quan tới thẻ thanh toán, quản lý, vận hành hệ thống thông tin, thực hiện truyền dẫn, trao đổi xử lý giao dịch điện tử tự động giữa người dùng với đơn vị cung ứng, đồng thời kết nối các ngân hàng thành viên.

Đến tháng 4/2015, Banknetvn và Smartlink sáp nhập, sau đó đổi tên thành CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) vào tháng 2/2016. Từ đây, Napas là đơn vị trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam.

Hiện tại, Napas đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính kết nối liên thông hơn 19.600 máy ATM, gần 360.000 máy POS phục vụ hơn 120 triệu chủ thẻ. Sản phẩm, dịch vụ của Napas cung cấp tới tệp khách hàng trực tiếp của hơn 100 tổ chức thành viên là các ngân hàng, công ty tài chính và trung gian thanh toán hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức thanh toán quốc tế.

Napas đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán thương mại điện tử kết nối với hơn 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác.

Napas hiện có vốn điều lệ 312,5 tỷ đồng, trong đó ngoài thành phần cổ đông giữ vị trí chủ chốt khoảng 49% cổ phần thuộc về Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh là Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank sở hữu 20,6% và 4,8% cổ phần do Tập đoàn Bưu chính viễn thông nắm giữ. Các ngân hàng thương mại cổ phần cùng các nhà đầu tư khác nắm giữ hơn 25% số cổ phần còn lại.

Tuy nhiên, ngoài những cái tên lớn trong giới ngân hàng, có một công ty chứng khoán nắm giữ cổ phần tại Napas. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, giá gốc khoản đầu tư vào Napas của CTCP Chứng khoán Bản Việt ghi nhận hơn 408 tỷ đồng, với giá trị hợp lý cao hơn gần 46%, ghi nhận gần 600 tỷ đồng.

Với cơ cấu cổ đông cô đặc và các ngân hàng cũng xác định rằng sẽ nắm giữ khoản đầu tư này lâu dài nên hầu như không có bất kỳ giao dịch cổ phiếu Napas nào được ghi nhận trên thị trường. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng bằng lần những năm gần đây, cùng với vị thế độc quyền kinh doanh một trong những mảng có hiệu suất cao nhất, Napas chắc chắn sẽ là một món hời cho các cổ đông.

Bình quân mỗi ngày thu hơn 12 tỷ đồng

Độc quyền thời gian dài trong thị trường chuyển mạch tài chính, doanh thu của Napas không ngừng tăng trưởng qua từng năm. Năm 2022 vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu gần 4.700 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động. Đến năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp giảm nhẹ xuống còn 4.500 tỷ đồng, tương ứng bình quân mỗi ngày thu hơn 12 tỷ đồng.

Dù vậy, lợi nhuận của Napas lại tăng trưởng trở lại sau khi bất ngờ đi lùi năm 2022. Năm 2023, Napas lãi ròng 825 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Trước 2022, doanh nghiệp này từng có giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận phi mã từ mức gần 400 tỷ năm 2018 lên gần 980 tỷ năm 2021, tức là gấp 2,5 lần sau 3 năm.

Tạm giữ thế 'độc quyền' trung gian thanh toán giữa các ngân hàng, Napas đang kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày? - Ảnh 1

Trong những năm qua, quy mô của Napas cũng liên tục được mở rộng trước khi bất ngờ thu hẹp trong năm 2023. Sau khi vượt ngưỡng 1.000 tỷ vào năm 2018, tổng tài sản của Napas tiếp tục tăng mạnh gấp 3,5 lần lên gần 3.600 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Đến cuối năm 2023, con số này còn khoảng 3.250 tỷ đồng.

Phần lớn tài sản của Napas được tài trợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Trong giai đoạn 2018-2021, vốn chủ sở hữu của Napas liên tục tăng nhanh từ mức chưa đến 900 tỷ lên hơn 2.900 tỷ đồng, tức là gấp hơn 3 lần sau 3 năm. Trong khoảng thời gian này, nợ phải trả cũng tăng dần qua từng năm tuy nhiên mức tăng không đáng kể so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu.

Xu hướng bắt đầu đảo chiều từ năm 2022 khi vốn của sở hữu của doanh nghiệp này đã bất ngờ giảm xuống dưới 2.700 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả tiếp tục tăng mạnh đến hơn 67% so với cuối năm trước, lên mức 886 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Con số này gấp hơn 4 lần thời điểm cuối năm 2018. Tuy nhiên, trong năm 2023, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này đã giảm mạnh xuống dưới 300 tỷ trong khi vốn chủ sở hữu tăng lên xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục