Với sự phát triển của các loại hình giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán online ngày càng trở nên thuận tiện và phổ biến.
Tuy nhiên, dù các ngân hàng đã nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại thì vẫn xuất hiện tình trạng hệ thống bị quá tải khi lượng giao dịch tăng đột biến. Đặc biệt là những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu chuyển tiền, thanh toán của khách hàng tăng cao, dẫn đến việc chuyển tiền giao dịch online của nhiều ngân hàng có thời điểm tắc nghẽn.
Câu chuyện nghẽn mạng không phải chỉ ở riêng ngân hàng nào
Kết thân với TPBank bấy lâu, mới đây, anh N.T (Hà Nội) cảm thấy buồn bực khi liên tục gặp vấn đề lúc chuyển tiền liên ngân hàng. Cụ thể, gần đây nhất, anh T cần chuyển một khoản tiền từ TPBank sang Agribank nhưng khi làm xong các thao tác, màn hình ứng dụng trên điện thoại của anh hiện thông báo "đang có vấn đề từ Napas hoặc ngân hàng nhận" và đề nghị thử lại sau.
Không chỉ anh N.T, mà trên mạng xã hội, nhiều khách cũng đang than thở về việc mòn mỏi chờ nhận tiền khi chuyển qua online.
Mới đây, khách hàng V.K (Hà Nội) sử dụng dịch vụ ngân hàng VCB cũng phản ánh không thể thực hiện chuyển tiền nhanh 24/7. Lý do đưa ra là "truy vấn thông tin thẻ người nhận không thành công do không kết nối được tới ngân hàng nhận" kèm lời nhắn "quý khách vui lòng thử lại sau".
Có trường hợp chị T.N (Thái Bình) nóng lòng chờ tiền gửi của chồng để đi mua sắm Tết nhưng chờ vài tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy tài khoản 'ting ting'. Theo lời của chồng chị T.N, chuyển tiền cho vợ từ sáng nhưng không báo thực hiện được, đăng nhập vào app nhiều lần rồi lại phải đăng xuất ra.
Chị L.T (Hà Nội) cũng cho biết, khi sử dụng app BIDV chuyển tiền mấy ngày gần Tết, chị hay gặp tình trạng hệ thống báo "Thông tin tài khoản người nhận không chính xác" hoặc "Tính năng chuyển khoản nhanh 24/7 tạm thời bị gián đoạn tại ngân hàng thụ hưởng. Quý khách vui lòng lựa chọn tính năng chuyển khoản thường để thay thế trong thời gian này".
Tắc nghẽn giao dịch là do lượng người dùng tăng đột biến, hoặc do Internet yếu
Giải thích vì sao cứ đến hẹn lại lên ngân hàng lại tắc nghẽn giao dịch vào dịp cận Tết, đại diện ngân hàng BIDV cho biết: “Số lượng người sử dụng các giao dịch điện tử tăng đột biến, thường là vào một vài khung giờ cao điểm nhất định trong ngày khiến một số hệ thống bị lỗi do quá tải dẫn đến chuyển chậm hoặc tạm thời không thực hiện được lệnh chuyển, nhận tiền.
Cùng với đó, có thể khu vực sử dụng hệ thống Internet yếu, chậm cũng khó thực hiện giao dịch. Đây là những nguyên nhân khách quan do sự cố về kỹ thuật và thường được chúng tôi cố gắng xử lý nhanh chóng ngay sau đó để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của khách hàng".
Trong đó, với giao dịch liên ngân hàng, các ngân hàng đều phải chuyển qua hệ thống chuyển mạch quốc gia của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas). Khách hàng nên chọn chuyển tiền thường thay vì chuyển tiền nhanh 24/7 thì giao dịch sẽ ổn định hơn.
Trước những vấn đề khách hàng gặp phải, đơn vị trung gian thanh toán - Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) - cho biết sẽ phối hợp với các ngân hàng thành viên triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường nhân sự 24/7 để cung cấp các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán thuận tiện, an toàn.
Ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc Napas cũng cho biết: Trong quá trình hoạt động và phát triển, Napas luôn chủ động triển khai, ứng dụng các giải pháp về mặt hạ tầng kỹ thuật, vận hành nhằm phát huy vai trò của đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán và chuyển mạch tài chính, bù trừ cho hệ thống thanh toán bán lẻ quốc gia, đóng góp vào sự ổn định, phát triển của hoạt động thanh toán nói chung, cũng như phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu thanh toán của người dân và hỗ trợ phát triển các lĩnh vực của nền kinh tế.
Đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/7
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính bảo đảm hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ và 7/7 ngày, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM trước và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã có nhiều giải pháp nhằm tránh nghẽn mạng khi giao dịch bằng các hình thức trực tuyến, cũng như chuẩn bị đủ tiền mặt cho máy ATM và các điểm giao dịch ngân hàng để phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức cung ứng hạ tầng chuyển mạch kiểm tra, bảo trì hệ thống hạ tầng, kỹ thuật (máy móc, thiết bị, đường truyền...) và theo dõi, giám sát chặt chẽ để bảo đảm hoạt động chuyển mạch thẻ an toàn, thông suốt và ổn định.