Vài năm trở lại đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở nên quen thuộc với nhiều người. Bên cạnh ví Momo, ví VNPay... cái tên thu hút được nhiều sự chú ý trên thị trường tài chính là Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas).
Từ tham gia tích cực trong ngày hội "Không tiền mặt..."
Tháng 6/2023, Napas phối hợp cùng các đối tác triển khai nhiều hoạt động góp phần phổ cập phương thức thanh toán tiện ích trong lĩnh vực giao thông, dịch vụ công, giáo dục... trong ngày hội Không tiền mặt (Cashless town) diễn ra tại TP HCM.
Đây là năm thứ 5 Napas đồng hành cùng ngày hội Không tiền mặt, qua đó chia sẻ về giải pháp thẻ vé thông minh trong giao thông công cộng tại Việt Nam.
Với chủ đề của sự kiện năm 2023 là "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh", Napas giới thiệu phương thức thanh toán tiện ích, an toàn, dễ sử dụng cho người dân, đồng thời phát huy vai trò tiên phong xây dựng hạ tầng kết nối, tích cực hợp tác triển khai giải pháp thanh toán thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của đất nước.
Trong vai trò đơn vị xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, Napas đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán giao thông công cộng. Đơn cử như việc xây dựng hệ thống thẻ vé điện tử tập trung cấp quốc gia, cấp thành phố; sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông với tài nguyên hơn 50 triệu thẻ chip không tiếp xúc (contactless) vừa được các ngân hàng hoàn thành việc chuyển đổi từ thẻ từ.
Qua các hoạt động, Napas mong muốn góp phần lan tỏa thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong cộng đồng và xã hội.
... đến ra mắt "Dịch vụ rút tiền mặt VietQRCash"
Bên cạnh việc phổ biến phương thức chuyển tiền/thanh toán bằng quét mã QR sử dụng trong chi tiêu, thanh toán hàng ngày, ngày 7/8, Napas ra mắt dịch vụ rút tiền qua ATM liên thông giữa các ngân hàng bằng mã VietQR (tên dịch vụ VietQRCash).
Tại giai đoạn đầu triển khai dịch vụ, khách hàng có thẻ Napas và sử dụng ứng dụng mobile banking của 8 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, Saigonbank, Sacombank, NCB và NAM A BANK có thể thực hiện rút tiền trên hệ thống ATM của 6/8 ngân hàng (hiện chưa bao gồm ATM của ngân hàng NCB và NAM A BANK) thông qua phương thức quét mã VietQR mà không cần mang theo thẻ vật lý.
Theo giới thiệu, khách hàng chỉ cần truy cập ứng dụng thanh toán của ngân hàng (mobile app) để quét mã QR hiển thị trên màn hình ATM. Sau khi chọn loại thẻ, khách hàng có thể lựa chọn số tiền cần rút trên mobile app của ngân hàng hoặc trên ATM và hoàn thành bước xác thực. Hạn mức và phí giao dịch tương tự như quy định hiện nay đối với giao dịch rút tiền trên ATM bằng thẻ Napas.
Vừa hô hào khách hàng hình thành thói quen chi tiêu, thanh toán không dùng tiền mặt nhưng sau đó lại ra mắt dịch vụ rút tiền mặt để dùng, hẳn nhiều người tự hỏi, Napas là đơn vị "mạnh" thế nào mà có nhiều chính sách linh hoạt đến vậy.
“Ông vua” trên thị trường chuyển mạch tài chính
Napas, tiền thân là liên minh thẻ Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) được thành lập vào năm 2004. Ba năm sau, một liên minh thẻ khác là Smartlink ra đời. Hai công ty đều có nhiệm vụ chuyển mạch kết nối, cung cấp dịch vụ liên quan tới thẻ thanh toán, quản lý, vận hành hệ thống thông tin, thực hiện truyền dẫn, trao đổi xử lý giao dịch điện tử tự động giữa người dùng với đơn vị cung ứng, đồng thời kết nối các ngân hàng thành viên.
Tháng 4/2015, Banknetvn và Smartlink sáp nhập, sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) vào tháng 2/2016. Từ đây, Napas là trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam.
Hiện tại, Napas đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính kết nối liên thông hơn 19.600 máy ATM, gần 360.000 máy POS phục vụ hơn 120 triệu chủ thẻ. Sản phẩm, dịch vụ của Napas cung cấp tới tệp khách hàng trực tiếp của hơn 100 tổ chức thành viên là các ngân hàng, công ty tài chính và trung gian thanh toán hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức thanh toán quốc tế.
Napas đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán thương mại điện tử kết nối với hơn 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác.
Năm 2022, hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh với số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua Napas tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021. Tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022.
Đáng chú ý, ngày 7/8 vừa qua, Napas còn ra mắt dịch vụ rút tiền qua ATM liên thông giữa các ngân hàng bằng mã VietQR (tên dịch vụ VietQRCash). Theo giới thiệu, khách hàng chỉ cần truy cập ứng dụng thanh toán của ngân hàng (mobile app) để quét mã QR hiển thị trên màn hình ATM. Sau khi chọn loại thẻ, khách hàng có thể lựa chọn số tiền cần rút trên mobile app của ngân hàng hoặc trên ATM và hoàn thành bước xác thực. Hạn mức và phí giao dịch tương tự như quy định hiện nay đối với giao dịch rút tiền trên ATM bằng thẻ Napas.
Tại giai đoạn đầu triển khai dịch vụ, khách hàng có thẻ Napas và sử dụng ứng dụng mobile banking của 8 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, Saigonbank, Sacombank, NCB và NAM A BANK có thể thực hiện rút tiền trên hệ thống ATM của 6/8 ngân hàng (hiện chưa bao gồm ATM của ngân hàng NCB và NAM A BANK) thông qua phương thức quét mã VietQR mà không cần mang theo thẻ vật lý.
Ai đứng sau Napas?
Việc vừa hô hào khách hàng hình thành thói quen chi tiêu, thanh toán không dùng tiền mặt nhưng sau đó lại ra mắt dịch vụ rút tiền mặt để dùng khiến dư luận không khỏi “tò mò” về Napas.
Hiện tại, vốn điều lệ của Napas là 312,5 tỷ đồng, trong đó ngoài thành phần cổ đông giữ vị trí chủ chốt khoảng 49% cổ phần thuộc về Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh là Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank sở hữu 20,6% và 4,8% cổ phần do Tập đoàn Bưu chính viễn thông nắm giữ. Các ngân hàng thương mại cổ phần cùng các nhà đầu tư khác nắm giữ hơn 25% số cổ phần còn lại.
Tuy nhiên, ngoài những cái tên lớn trong giới ngân hàng, có một công ty chứng khoán nắm giữ cổ phần tại Napas. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, giá gốc khoản đầu tư vào NAPAS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt ghi nhận hơn 408 tỷ đồng, với giá trị hợp lý cao hơn gần 46%, ghi nhận gần 600 tỷ đồng.
Với cơ cấu cổ đông cô đặc và các ngân hàng cũng xác định rằng sẽ nắm giữ khoản đầu tư này lâu dài nên hầu như không có bất kỳ giao dịch cổ phiếu Napas nào được ghi nhận trên thị trường. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng bằng lần những năm gần đây, cùng với vị thế độc quyền kinh doanh một trong những mảng có hiệu suất cao nhất, Napas chắc chắn sẽ là một món hời cho các cổ đông.
Doanh thu vẫn không ngừng tăng nhưng lợi nhuận đã đảo chiều
Độc quyền thời gian dài trong thị trường chuyển mạch tài chính, doanh thu của Napas không ngừng tăng trưởng qua từng năm. Năm 2022 vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu gần 4.700 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động. Ước tính bình quân mỗi ngày Napas tạo ra gần 13 tỷ đồng doanh thu.
Điểm đáng chú ý là lợi nhuận của doanh nghiệp này lại bất ngờ quay đầu giảm 2 con số là làm đứt chuỗi tăng trưởng. Năm 2022, Napas lãi ròng gần 800 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Trước đó, doanh nghiệp này từng có giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận phi mã từ mức gần 400 tỷ năm 2018 lên gần 980 tỷ năm 2021, tức là gấp 2,5 lần sau 3 năm.
Trong những năm qua, quy mô của Napas cũng liên tục được mở rộng. Sau khi vượt ngưỡng 1.000 tỷ vào năm 2018, tổng tài sản của Napas tiếp tục tăng mạnh gấp 3,5 lần lên gần 3.600 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Phần lớn tài sản của Napas được tài trợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu tuy nhiên cơ cấu đang có sự dịch chuyển theo hướng tăng dần nguồn vốn nợ.
Trong giai đoạn 2018-2021, vốn chủ sở hữu của Napas liên tục tăng nhanh từ mức chưa đến 900 tỷ lên hơn 2.900 tỷ đồng, tức là gấp hơn 3 lần sau 3 năm. Trong khoảng thời gian này, nợ phải trả cũng tăng dần qua từng năm tuy nhiên mức tăng không đáng kể so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu.
Xu hướng bắt đầu đảo chiều từ năm 2022 khi vốn của sở hữu của doanh nghiệp này đã bất ngờ giảm xuống dưới 2.700 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả tiếp tục tăng mạnh đến hơn 67% so với cuối năm trước, lên mức 886 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Con số này gấp hơn 4 lần thời điểm cuối năm 2018. Đây là nguyên nhân chính khiến quy mô tài sản của Napas tiếp tục tăng lên trong năm qua.