Bộ Giao thông vận tải khẳng định như vậy trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước - về việc làm rõ thêm một số nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (sân bay Long Thành).
Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng mức đầu tư dự án sân bay Long Thành đã được lập theo đúng quy định tại nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Tư vấn thẩm tra quốc tế thực hiện thẩm tra theo quy định và đánh giá tổng mức đầu tư tại báo cáo nghiên cứu khả thi đã được tính toán phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về xây dựng, đảm bảo tính đúng, tính đủ, phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng và mặt bằng giá thị trường.
Bộ Giao thông vận tải đã so sánh suất đầu tư sân bay Long Thành với các sân bay trên thế giới như:
Dự án sân bay quốc tế Frankfurt (Đức) giai đoạn 3: khởi công 4-2019, công suất 21 triệu khách/năm có tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD. Quy đổi tổng mức đầu tư cho công suất 25 triệu khách/năm là khoảng 5,3 tỷ USD.
Dự án sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) giai đoạn 3: khai thác từ tháng 1/2018, công suất 18 triệu khách/ năm có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD, mức đầu tư cho công suất 25 triệu khách/năm là khoảng 5,9 tỷ USD.
Như vậy, tổng mức đầu tư dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 công suất 25 triệu khách/năm là 4,692 tỷ USD, nhỏ hơn tổng mức đầu tư sân bay Frankfurt giai đoạn 3 và sân bay Incheon giai đoạn 3.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng nhận định việc so sánh tổng mức đầu tư giữa các dự án đầu tư sân bay trên thế giới chỉ mang tính chất tham khảo vì thời điểm xây dựng, mức độ áp dụng công nghệ, quy trình vận hành, khai thác tại mỗi dự án khác nhau; các chính sách về thuế, về nhập khẩu trang thiết bị, các điều kiện thị trường liên quan đến lãi suất, chi phí nhân công, máy móc, nguyên vật liệu tại địa phương đều có ảnh hưởng tới chi phí đầu tư xây dựng...
Về sự phù hợp của việc giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các công trình thiết yếu của sân bay Long Thành theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phân tích vị trí chiến lược về quốc phòng của sân bay Long Thành có vai trò là căn cứ dự bị của sân bay Biên Hòa, phục vụ cho tác chiến của lực lượng phòng không - không quân trong bảo vệ vùng trời, biển đảo phía Nam của Tổ quốc và là đầu mối giao thương hàng không, du lịch…
Qua đó, Bộ Giao thông vận tải khẳng định việc giao ACV là doanh nghiệp do nhà nước nắm 95,4% cổ phần trực tiếp đầu tư các công trình thiết yếu của sân bay Long Thành là phương án đảm bảo được an ninh - quốc phòng tại cảng cửa ngõ quốc gia quan trọng như sân bay Long Thành.
Về lợi ích quốc gia, việc giao ACV đầu tư hạng mục chính sân bay Long Thành sẽ giữ lại nguồn lợi kinh doanh từ sân bay này cho quốc gia, tạo lượng việc làm lớn cho người dân Việt Nam. Trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sẽ phải thực hiện đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu. Khi đó, một phần nguồn lợi kinh tế và việc làm sẽ do doanh nghiệp và người nước ngoài hưởng, đặc biệt vấn đề an ninh - quốc phòng là khó kiểm soát.
Link bài gốc