Những căn tập thể cũ từ thời bao cấp vốn luôn đặc trưng cho nét cổ xưa của những thành phố đang ngày càng phát triển và hiện đại qua thời gian.
Nhưng khi những ngôi nhà đó bắt đầu xuống cấp thì việc xây dựng và cải tạo lại là vô cùng cần thiết, điển hình là căn hộ nhỏ nằm ở tầng 1 trong khu tập thể cũ ở phố Đội Cung, Hà Nội.
Căn nhà thuộc một trong những ngôi nhà "khá cổ" được xây dựng từ những năm 1980s, với thiết kế và công nghệ xây dựng mang điển hình của thời bao cấp xưa.
Dù xây mới hay cải tạo lại, chủ hộ - những người đã sống cùng căn nhà từ thời kỳ đầu, vẫn muốn cải tạo ngôi nhà của mình làm sao để nó vừa giữ được nét cổ điển vốn có, đồng thời vẫn mang không gian hiện đại và cung cấp được chất lượng sống tốt hơn cho gia đình.
Vấn đề cải tạo là một bài toán khó đối với nhóm thiết kế vì căn nhà này được bao quanh bởi những ngôi nhà khác trong khu tập thể đều đã xuống cấp và dễ bị ảnh hưởng khi có tác động của việc xây dựng từ bên ngoài.
Tuy nhiên, các kiến trúc sư đã phân tích và đưa ra phương án hợp lý nhất để có thể đem lại sự cải tạo hoàn hảo cho căn nhà.
Trước khi cải tạo, có thể thấy, không gian của căn nhà được chia nhỏ thành các phòng riêng biệt nối nhau với ánh sáng rất hạn chế và thông gió kém, tạo môi trường sống rất tối và ẩm thấp.
Hệ thống kết cấu pha trộn giữa tường chịu lực, tấm đan lắp ghép và bê tông đổ tại chỗ. Căn nhà đã qua một vài lần cải tạo trước đây nên có nhiều lớp vật liệu chồng lên nhau.
Dù vậy, do nằm trong khu tập thể cũ nên không gian xung quanh căn nhà khá yên tĩnh, phía trước nhà và khuôn viên xung quanh rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây và ánh sáng. Đây là điểm mạnh của căn nhà mà nhóm thiết kế có thể tận dụng được trong quá trình cải tạo.
Với sự nghiên cứu khá kĩ lưỡng của đội ngũ kiến trúc sư và thể theo mong muốn của chủ hộ, căn nhà sau khi cải tạo đã mang một diện mạo hoàn toàn khác biệt so với trước đó.
Không chỉ đẹp hơn, hiện đại hơn, mà căn nhà còn trở nên sáng sủa hơn bởi cách thiết kế tận dụng được ánh sáng bên ngoài và không gian rộng rãi hơn, do loại bỏ được những khuyết điểm cũ về cách chia nhỏ phòng ban đầu.
Với các kiến trúc sư, phần quan trọng nhất và cũng là "trái tim" của căn nhà chính là phòng khách. Ở khu vực phòng khách được đặt một chiếc ghế dài cạnh cửa sổ và một bàn ăn nằm ngang ngăn chia một cách ước lệ với phòng bếp, cùng các giá sách lớn hai bên ghế dọc theo tường.
Đây là cách bố trí khá hợp lý vì nó tập hợp tất cả các hoạt động chính của căn nhà ở cùng một không gian, kết nối chúng lại và trả lại khoảng không thoáng hơn ở bên trong ngôi nhà.
Phòng vệ sinh được thiết kế với các chi tiết bố trí âm tường tối đa nhằm tạo công năng sử dụng. Bức tường giữa bếp và WC được tận dụng để che bớt phần nội thất bên trong, giúp căn phòng trở nên gọn gàng và tối giản hơn.
Để cải thiện ánh sáng tự nhiên và tạo sự đồng nhất, nhóm thiết kế đã sơn toàn bộ ngôi nhà bằng màu trắng sáng, hài hoà về màu sắc với tường ốp gạch. Vật liệu ốp lát được lựa chọn là bức tường gạch mang phong cách của những năm 1980s như một cách kết nối với lịch sử lâu đời của căn nhà.
Có thể nói, với diện mạo mới, căn nhà nhỏ mang diện tích 70m2 trong khu tập thể cũ không chỉ trở nên sống động, hiện đại, trang nhã mà ẩn sâu trong đó, ta còn thấy được vẻ cổ điển được mang lại bởi các vật liệu, cách trang trí điểm xuyết.
Từ màu sắc, nội thất, cách bài trí trong căn nhà đều mang phong cách trang nhã, thẩm mỹ hơn, khiến cho căn nhà xứng đáng trở thành một "không gian đáng sống".
Link bài gốc