Khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp, Su Jin Lee sở hữu khao khát và đam mê chảy trong huyết quản. Tên tuổi của anh gắn liền với Yanolja, nền tảng đặt phòng khách sạn trực tuyến đã hồi sinh ngành công nghiệp "khách sạn tình yêu". Startup của anh đã trở thành 'kỳ lân' mới nhất của Hàn Quốc.
"Khách sạn tình yêu" là cách gọi ví von cho loại hình lưu trú ngắn hạn, trả tiền theo giờ. Dịch vụ này hướng tới các cặp đôi muốn thuê phòng theo phong cách lãng mạn.
Trong tiếng Hàn, Yanolja nghĩa là "Này, cùng chơi nhé" (Hey, let’s play). Năm 2007, nhóm của Lee thành lập với mong muốn hiện đại hoá thị trường cho thuê khách sạn theo giờ, vốn đang bị định hướng sai vào thời điểm đó. Ứng dụng đã có 32 triệu lượt tải xuống và một lượng lớn khách hàng trẻ theo dõi.
Có nguồn gốc từ Nhật Bản, mô hình "khách sạn tình yêu" phổ biến tại Hàn Quốc vào cuối những năm 1980. Sau đó, những nghi ngại về các hoạt động bất hợp pháp đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành công nghiệp.
Nhưng Lee lại có cái nhìn khác về loại hình truyền thống này. Từ năm 23 tuổi, anh đã làm công việc gác cổng cho một trong những khách sạn tình yêu.
Nhiệm vụ của anh là thay ga trải giường và dọn dẹp phòng sau khi các cặp vợ chồng đã sử dụng cho những giây phút riêng tư.
"Đó là trải nghiệm rất rất hữu ích. Nhờ đó, anh ấy có thể hiểu được những ngóc ngách của ngành này." - CEO Yanolja Jong Yoon Kim bình luận về nhà sáng lập Su Jin Lee với CNBC Make It.
Năm 2014, đạo luật chống mại dâm được thông qua, đe doạ trực tiếp tới sự sống còn của ngành công nghiệp khách sạn theo giờ. Nhưng Lee lại coi đó là một cơ hội.
Anh triển khai kế hoạch của mình theo từng bước. Đàu tiên, anh cho ra đời nền tảng quảng cáo trực tuyến dành riêng cho các chủ khách sạn. Nhờ đó, họ có thể thu hút thêm khách hàng. Đến năm 2007, Yanolja chính thức ra mắt.
Đồng thời, anh tiến hành các hoạt động "làm sạch" hình ảnh của các khách sạn tình yêu, thu hút thêm nhiều phân khúc khách hàng mới, ví dụ như các cặp vợ chồng trẻ và khách du lịch ngắn ngày.
Ở Hàn Quốc, các cặp vợ chồng trẻ thường vẫn sống với gia đình nên "khách sạn tình yêu" là một lựa chọn hấp dẫn để có những phút riêng tư khỏi cặp mắt tò mò của bố mẹ. Cùng với đó, ngành du lịch bùng nổ đã đưa đất nước này trở thành một trong những thị trường du lịch lớn nhất châu Á.
Lee đã nhìn ra "nỗi đau" của thị trường, Kim nhận định.
Sau khi đã có tên tuổi nhất định trên thị trường, startup của Lee bắt đầu lấn sân sang dịch vụ đặt phòng cho các khách sạn, nhà nghỉ thông thường, đồng thời tiếp tục ra mắt chuỗi khách sạng mang thương hiệu riêng.
Hàn Quốc là một thị trường màu mỡ cho Lee. Yanolja có thể tiếp cận khoảng 46.000 nhà trọ, nhà nghỉ khác nhau, mở ra cơ hội thu về doanh thu hàng năm hơn 3,6 tỷ USD.
Dĩ nhiên, các nhà đầu tư chẳng có lý do gì để bỏ qua thị trường này. Đón đầu xu hướng đó, Yanolja đã huy động được gần 242 triệu USD từ quỹ GIC (Singpore) và Booking Holdings - tập đoàn đứng sau trang booking.com.
Ở vòng gọi vốn mới nhất hồi tháng 6/2019, startup này được định giá một tỷ USD, trở thành "kỳ lân" thứ tám của Hàn Quốc và là thành viên mới nhất tham gia vào cộng đồng các nền tảng du lịch như Airbnb, OYO và Klook.
Kim tự hào nói: "Tôi nghĩ rằng Yanolja là khách sạn số một tại Hàn Quốc, và đó cũng là lý do tại sao chúng tôi trở thành kỳ lân. Nhưng câu chuyện chỉ mới bát đầu thôi. Chúng tôi hướng tới ngôi vị số một trên toàn thế giới."
Và để hiện thực hoá giấc mơ đó, Yanolja sẽ mở rộng sang các dịch vụ khác. Công ty cũng đã phát triển các dịch vụ phần mềm giúp khách sạn đối tác tự động hóa quy trình đăng ký và các dịch vụ khác.
"Khách sạn là một phần trong hệ sinh thái các dịch vụ tổng thể cho ngừoi dùng. Yanolja sẽ bao gồm cả dịch vụ nhà hàng, giải trí, vận chuyển,..." - Kim nói.
Ngoài ra, Kim dự định sẽ IPO trong thời gian tới. CEO này chi biết, đó sẽ là mốc chuyển đổi hoàn toàn của một ngành công nghiệp.
"Chúng tôi sẵn sàng IPO bất cứ lúc nào" - Kim lạc quan.