Mở đầu tập 10 Shark Tank Việt Nam mùa 7 - là thương hiệu chocolate LadolVita của Công ty cổ phần Sweet Life Việt Nam, sử dụng 100% nguyên liệu trong nước.
Thương hiệu có 5 dòng sản phẩm, trong đó bán chạy nhất là nama chocolate tươi. Không chỉ bán chocolate, LadolVita còn có một xưởng sản xuất tại Đà Lạt, nơi khách hàng hàng có thể đến để trải nghiệm quy trình sản xuất cũng như tìm hiểu sâu hơn về hạt ca cao.
Theo chị La Mai Hàn Trang - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, LadolVita thành lập hồi tháng 7/2023, bắt đầu có sản phẩm sau đó 4 tháng. Vốn chủ sở hữu của công ty đăng ký là 6 tỷ đồng, thực góp là 6,7 tỷ đồng. Doanh số 8 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 3,7 tỷ đồng, lợi nhuận 15%. Đến Shark Tank, LadolVita kêu gọi 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần.
Giải thích cho mức định giá doanh nghiệp 20 tỷ đồng, trong khi doanh thu năm nay theo Shark Bình đánh giá chỉ được khoảng 5 tỷ và lợi nhuận tương đương chưa đến 1 tỷ, anh Nguyễn Đặng Anh - Nhân viên kinh doanh LadolVita cho biết công ty mới đang phân phối qua các đại lý nhỏ lẻ. Mục tiêu là đưa sản phẩm vào các kênh MT (modern trade), GT (general trade) và có thể phát triển vào các chuỗi cà phê, rạp chiếu phim. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng.
Shark Tillman Schulz cảnh báo LadolVita có thể gặp rắc rối lớn
Shark Phi Vân đặt câu hỏi về sự khác biệt của LadolVita so với các sản phẩm khác trên thị trường. Trả lời Shark, chị Trang cho biết: “LadolVita đi theo cái hướng làm season (mùa) và location (địa điểm), chú trọng vào màu sắc và thiết kế bao bì để mỗi mùa, mỗi địa điểm sẽ có sự riêng biệt. Em muốn làm ra những dòng sản phẩm Việt Nam có hương vị đặc trưng.
Nếu Nhật Bản có Nama chocolate matcha nổi tiếng bán rất tốt, tụi em sẽ tạo ra đặc sản của Việt Nam như chocolate sầu riêng, sẽ phối hợp với nông sản Việt Nam như trái cây, các loại hạt để phát triển thêm nhiều hương vị. Em khát khao ca cao Việt Nam sẽ tiếp bước cà phê có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của người Việt”.
Tuy nhiên, Shark Tillman Schulz lại đặt vấn đề: “Bạn có nghĩ rằng sẽ gặp rắc rối với thiết kế bao bì hiện tại không? Bởi vì màu sắc này tương tự một thương hiệu chocolate cực kỳ lớn ở châu Âu là Milka”.
“Thật sự em chưa nghĩ đến chuyện một thương hiệu lớn khác cũng đã sử dụng màu tím này. Đơn thuần là em làm chocolate - biểu tượng cho tình yêu, nên em tìm thành phố lãng mạn là Đà Lạt. Đặc trưng của Đà Lạt là màu tím”, chị Trang thừa nhận. “Bạn cần phải lưu ý điều này, vì nó có thể trở thành rắc rối lớn.
Milka đã xuất khẩu đến quá nhiều nước trên thế giới, tôi không thể đếm được. Họ là thương hiệu toàn cầu, ai cũng biết. Bạn có thể sẽ gặp vấn đề pháp lý với màu sắc bao bì này, nên hãy cẩn thận”, Shark Schulz cảnh báo.
Về phía Shark Minh Beta, vị “cá mập” này thắc mắc cách LadolVita đảm bảo nguồn nguyên liệu. Nữ Founder giải thích rằng nếu ca cao lên men không đúng chuẩn, chất lượng chocolate sẽ giảm rất nhiều, nên startup có công cụ, thiết bị đo lường mức độ lên men để kiểm soát chất lượng nguyên liệu.
“Người nông dân bán ca cao lên men chất lượng cho LadolVita sẽ được mua giá cao hơn. Bên cạnh đó, để giúp họ yên tâm đồng hành lâu dài, không bao giờ chặt bỏ cây ca cao, LadolVita sẽ ký hợp đồng cam kết giá lên bao nhiêu thì LadolVita mua bấy nhiêu, giá xuống thì LadolVita vẫn mua với giá sàn cộng thêm 5-10%”, chị Trang trình bày.
Hiện nay, “gã khổng lồ” bán lẻ Nhật Bản AEON đang làm việc với LadolVita để đặt hàng và bán sản phẩm vào hệ thống AEON bên Nhật, giúp đội ngũ của startup tin rằng con đường đang đi là đúng.
Về viễn cảnh 5 năm tới, chị Trang chia sẻ kế hoạch cung cấp nguyên liệu và ước mơ xây nhà máy sản xuất chocolate lớn hơn, dựa trên kinh nghiệm từng quản trị một nhà máy 100 nhân sự tại Phan Thiết. Ngoài ra, startup cũng nhắm tới việc mở cửa hàng ở các thành phố có nhiều khách du lịch.
Tính đổi mới trong mô hình kinh doanh được thể hiện tại xưởng của LadolVita ở trung tâm Đà Lạt, nằm dưới rừng thông lãng mạn. Khách hàng có thể tự tay làm chocolate theo hình dáng và màu sắc họ thích và mang về. 80% khách hàng sẽ check-in trên mạng xã hội, giúp lan tỏa thương hiệu.
Ngoài ra, LadolVita còn thu hút được lượng khách làm quà tặng event, đám cưới. Chi phí đầu tư một xưởng như vậy khoảng 5 tỷ, doanh thu từ việc khách tới trải nghiệm tầm 300 - 400 triệu đồng/tháng.
Shark Nguyễn Phi Vân ra deal “lạ”
Shark Minh Beta khen chocolate của LadolVita thực sự rất ngon, bao bì chuyên nghiệp, nhưng cũng không đầu tư vì startup chưa hiểu rõ khách hàng của mình.
Shark Tillman Schulz cũng quyết định không đầu tư và khuyên LadolVita tập trung vào thị trường Việt Nam chứ không phải xuất khẩu.
Về phía Shark Lê Mỹ Nga, bà nhận thấy startup chỉ vừa hoàn thiện sản phẩm, chưa có chiến lược rõ ràng để phát triển trong một ngành hàng vô cùng cạnh tranh. Nữ “cá mập” đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng cho 35% cổ phần, cam kết giúp startup lên chiến lược kinh doanh và hỗ trợ kết nối thị trường, chỉnh sửa sản phẩm.
Trong khi đó, Shark Nguyễn Phi Vân lại ra một deal “lạ”. “Mình dẹp những suy nghĩ cũ, bắt đầu mô hình mới lạ hơn: một địa điểm trải nghiệm, ăn uống và bán lẻ - tức là all in one (tất cả trong một), thay vì mở 5-10 cửa hàng bán lẻ như LadolVita muốn làm. Đề nghị của chị lật ngược trở lại từ phần dịch vụ on premise (tiêu dùng tại chỗ), sau đó mới bán off premise (phân phối mua về nhà). Nếu làm như vậy thì không phải nhà đầu tư, mà chị muốn trở thành Co-Founder”, Shark Phi Vân đề nghị đầy táo bạo.
Bà ra deal 5 tỷ cho 20% cổ phần, trong đó 1,2 tỷ đồng tiền mặt và 3,8 tỷ còn lại là phí tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh kèm cam kết sau 6 tháng sẽ nhượng quyền quốc tế.
Shark Bình cho biết ông cũng có thể giúp startup bằng con đường D2C (phân phối trực tiếp đến khách hàng) dựa trên sản phẩm vốn đã rất tốt. Với lý do năng lực D2C của LadolVita chưa có, ông đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 50% cổ phần.
Sau khi nghe đề nghị từ 3 Shark, startup mong muốn Shark Nga chung deal với Shark Vân nhưng Shark Nga từ chối vì khác định hướng.
Quay lại với Shark Vân, startup hỏi sâu hơn những gì Shark sẽ làm. Đáp lại, vị Chủ tịch Go Global Holdings, kiêm Chủ tịch Go Global Franchise Fund, cho biết phí tư vấn xây dựng mô hình nhượng quyền của bà là 2.000 USD/giờ. Bà có một nhóm mentor 6 người, cùng hệ sinh thái nhượng quyền đã có với hơn 12 thương hiệu. Nếu hợp tác, hai bên sẽ cùng nhau hoàn thiện mô hình, sau đó nhượng quyền.
Cuối cùng, Founder LadolVita chấp nhận đề nghị của Shark Phi Vân, khép lại thương vụ gọi vốn thành công.