Kể lại cơ duyên khởi nghiệp Cà Mèn, Nhà sáng lập Nguyễn Đức Nhật Thuận cho biết, năm 2009, lần đầu tiên bước chân vào TP HCM, anh cảm thấy rất lạ lẫm từ nhịp sống cho đến món ăn thức uống. Ấp ủ ý định sẽ mang những món đặc sản của quê hương Quảng Trị phục vụ bà con tại TP HCM, Nhật Thuận cho ra đời Cà Mèn.
Cà Mèn cung cấp các món đặc sản của quê hương theo hình thức đóng gói đông lạnh như bánh canh cá lóc, miến lươn, bún lươn xào nghệ, bánh canh cua kèm gia vị. Người dùng chỉ cần dành từ 3 – 5 phút đun sôi là đã có ngay phần ăn chuẩn bị.
Xác định thị trường chính là xuất khẩu, đầu năm 2023, Cà Mèn đã xuất khẩu chính ngạch sản phẩm đi Mỹ và đến nay đã xuất khẩu được 5 container. Lê Trọng Luân - đồng sáng lập kiêm Giám đốc Cà Mèn tiết lộ, sản phẩm Cà Mèn đã phủ hơn 1.000 siêu thị và chợ Việt, siêu thị châu Á trên khắp các bang của nước Mỹ. Bên cạnh thị trường Mỹ, Cà Mèn còn khai phá thị trường Canada, Úc và Anh với tần suất re-order, tái mua hàng từ 3 – 6 tháng.
Đi thật xa để trở về, vào đầu năm 2024 Cà Mèn quay lại thị trường Việt Nam để mở rộng hệ thống kênh phân phối. Tính tới thời điểm hiện tại, Cà Mèn đã có hơn 400 điểm bán cho hệ kênh siêu thị và đại lý. Ngoài ra, Cà Mèn cũng đã có nhà máy rộng 1.000m2, có thể cung cấp 200 – 300 ngàn sản phẩm/tháng.
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 7, Cà Mèn mong muốn gọi vốn 5 tỷ đồng đổi lấy 8,3% cổ phần của công ty để nâng cấp sản xuất, R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) mới, đồng thời đẩy mạnh marketing và bán hàng.
Thuyết phục các Shark chốt deal bằng bức tranh tài chính, đại diện Cà Mèn cho biết doanh thu năm 2023 đạt 12,2 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu năm 2024 là 24 tỷ và đến thời điểm lên Shark Tank gọi vốn đã đạt 7,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cà Mèn đã có hợp đồng đặt hàng dịp cuối năm với trị giá gần 10 tỷ đồng.
Xét theo tỷ trọng, 80% doanh thu của Cà Mèn đang đến từ thị trường xuất khẩu. Trong đó, lớn nhất là thị trường Mỹ, tiếp đến là Úc, Canada và Anh.
Giá bán lẻ sản phẩm ở thị trường Mỹ là từ 5 – 6 USD/gói, trong đó giá FOB (giá đã bao gồm chi phí vận chuyển ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) ở Việt Nam là 2 USD. Giá thành sản xuất chiếm 45% doanh thu sau khi đã chiết khấu cho các nhà phân phối.
Trong khi đó, giá bán lẻ tại Việt Nam trung bình 40.000 đồng/gói. Đại diện Cà Mèn cho biết hai lý do. Thứ nhất là mức giá của các đối thủ cạnh tranh đang dao động từ 35 – 40.000 đồng. Thứ hai, theo nghiên cứu của startup thì khả năng chi tiêu ở Hà Nội và TP. HCM cho bữa trưa và bữa tối dao động từ 35 – 50.000 đồng/bữa. “Có nghĩa là định vị của tụi em vẫn nằm trong phân khúc đó và có một tập khách hàng nhất định”, Ngọc Duy - Giám đốc Kinh doanh Cà Mèn cho hay.
Trước thắc mắc của Shark Tillman Schulz về việc sử dụng hộp đựng có kích thước lớn, làm tăng chi phí vận chuyển, Trọng Luân cho biết Cà Mèn đang đẩy mạnh phân phối qua các siêu thị ở Mỹ và Canada nên đóng gói lớn sẽ giúp khách hàng dễ nhìn hơn. Một lý do khác là cạnh tranh bởi các đối thủ cũng đang sử dụng loại bao bì rất lớn.
Sau khi lắng nghe chia sẻ của startup, Shark Bình bày tỏ sự hâm mộ với sản phẩm của startup: “Hồi xưa tôi đi du học mà có sản phẩm như này đỡ nhớ quê hương đúng là quá tuyệt vời. Cảm ơn các bạn đã mang vị quê hương đến những người Việt xa xứ”. Tuy vậy, Chủ tịch NextTech cũng đánh giá tính chất sản phẩm của Cà Mèn cần kho đông lạnh, rất khó để bán hàng trực tuyến trong khi D2C lại là khẩu vị đầu tư của ông. Chính vì thế, Shark Bình là người đầu tiên từ chối thương vụ này.
Về phía Shark Minh, Chủ tịch Beta Group khen ngợi chất lượng sản phẩm của Cà Mèn, khi mà rã đông vẫn giữ được sự tươi và nguyên bản của miếng cá, sợi bánh canh chắc, không bị bở. Tuy vậy, Shark Minh Beta đánh giá thị trường mà Cà Mèn theo đuổi rất khó để mở rộng và quyết định không đầu tư.
Dành lời khen ngợi cho sự tươi ngon của Cà Mèn, Shark Mỹ Nga cho biết bà không đầu tư nhưng sẽ giúp startup phát triển thị trường nước ngoài mà bà đang có mối quan hệ như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Shark Phi Vân cho biết mình rất yêu quý và mong muốn đồng hành cùng startup để nâng cao giá trị nông sản Việt. Theo phân tích của bà, startup đang gặp “nút thắt cổ chai” về mặt giá thành sản xuất bởi nếu không tăng được sản lượng thì khó giảm giá thành. Tuy nhiên, do chưa nhìn thấy một mô hình kinh doanh hiệu quả hơn cho startup nên Shark Phi Vân cũng từ chối đầu tư.
Thể hiện ấn tượng với hương vị của sản phẩm Cà Mèn, Shark Tillman Schulz đã dành nhiều lời khen cho món ăn, và cho biết tuy không đầu tư nhưng ông sẽ giúp startup mở rộng bán hàng với các siêu thị đối tác hiện có của ông.
Thương vụ khép lại và Cà Mèn tuy chưa gọi vốn thành công tại Shark Tank 7 nhưng đã có được sự đồng hành hỗ trợ của Shark Tillman Schulz, hứa hẹn một tương lai phát triển mạnh mẽ cho startup khi đưa được sản phẩm thâm nhập thị trường EU.