Ngày pháp luật

SoftBank tiếp tục rót thêm 1,5 tỷ USD vào Grab, gấp ba lần so với dự kiến

Theo Chíp/Trí Thức Trẻ

Khoản đầu tư này sẽ được công bố vào tháng 1/2019.

SoftBank tiếp tục rót thêm 1,5 tỷ USD vào Grab, gấp ba lần so với dự kiến - Ảnh 1

 

SoftBank chuẩn bị ký thỏa thuận đầu tư 1,5 tỷ USD vào Grab, gấp ba lần so với mức dự kiến 500 triệu USD trước đây. Theo nguồn tin nắm rõ vấn đề, SoftBank quyết định tăng vốn khi thấy kế hoạch mở rộng của Grab có vẻ hứa hẹn.

Tính tới thời điểm hiện tại, sau 6 năm hoạt động, Grab đã huy động được 6,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư, dẫn đầu bởi SoftBank, Didi và Toyota. Sau vòng gây vốn hồi tháng 8, Grab được định giá khoảng 11 tỷ USD.

Năm 2014, SoftBank lần đầu góp vốn vào Grab với số tiền 250 triệu USD. Thời điểm đó, Grab bắt đầu cạnh tranh với Uber tại Đông Nam Á.

Dự kiến, số vốn 1,5 tỷ USD sắp tới sẽ được Quỹ Tầm nhìn của SoftBank rót vào Grab. Năm ngoái, quỹ này đã nhận được 93 tỷ USD từ các đối tác, trở thành quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới.

Theo nguồn tin, SoftBank sẽ hoàn tất khoản đầu tư khổng lồ vào Grab ngay trong tháng này và nhiều khả năng sẽ công bố trong tháng tới. Nguồn tin này yêu cầu được giấu tên bởi những thông tin này chưa được phép công khai.

Phía Grab từ chối bình luận trong khi người phát ngôn của SoftBank chưa đưa ra câu trả lời khi được hỏi về vấn đề này.

Hồi tháng 10, Reuters đã từng đưa tin rằng SoftBank chuẩn bị chốt một khoản đầu tư trị giá 500 triệu USD vào Grab. Tuy nhiên, có vẻ như kế hoạch mở rộng của Grab đã thuyết phục được SoftBank tăng gấp 3 số vốn.

Grab đã mua lại tất cả hoạt động của Uber tại Đông Nam Á trong năm nay bằng cổ phần của chính mình. Từ đó tới nay, hãng cung cấp ứng dụng gọi xe này đã phát triển, mở rộng hoạt động một cách nhanh chóng.

Grab có thể sử dụng một phần số vốn nhận được để mở rộng hơn nữa hoạt động tại Indonesia. Mới đây, Grab đã hợp tác với nền tảng thương mại điện tử Tokopedia và hãng thanh toán điện tử OVO để tăng cường hoạt động tại Indonesia.

Grab cũng đang tìm cách chuyển biến thành tập đoàn công nghệ tiêu dùng hàng đầu, cung cấp nhiều dịch vụ khác bên cạnh gọi xe như giao đồ ăn, chuyển tiền điện tử và thanh toán di động. Đông Nam Á hiện là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới và vì thế còn rất nhiều cơ hội phát triển cho Grab.

Trong cuộc đua giành thị phần tại Đông Nam Á, Grab và đối thủ Go-Jek đang huy động hàng tỷ USD. Hiện tại, Đông Nam Á đang có khoảng 650 triệu người dùng trực tuyến và sử dụng smartphone để mua sắm, di chuyển và thanh toán.

Go-Jek đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ gọi xe tại Singapore hồi tháng trước và dự kiến tung ra một loạt dịch vụ vào đầu năm 2019, thách thức sự thống trị của Grab ở quốc đảo này. Vài tháng qua, Go-Jek cũng đã chính thức tung ra dịch vụ gọi xe ở các quốc gia khác bên ngoài thị trường quê nhà Indonesia như Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục