Theo nguồn tin của tờ WSJ, tập đoàn SoftBank đang đầu tư 150 triệu USD vào nền tảng metaverse về thời trang của Hàn Quốc.
Triển vọng của Zepeto
Là một ứng dụng trên điện thoại thông minh do Naver phát triển, Zepeto ra mắt năm 2018 và hiện là nền tảng metaverse ăn khách nhất châu Á với hơn 2 triệu người dùng thực mỗi ngày.
Trong Zepeto, người dùng quét hình và dựng nên một phiên bản điện tử 3D (avatar) giống bản thân mình, rồi dạo chơi trong thế giới ảo, chẳng hạn đến ngôi nhà ma, lớp học hoặc lễ cưới ngoài trời. Họ có thể dùng giọng nói để trò chuyện với nhau.
So với Roblox, nền tảng phổ biến nhất thế giới, Zepeto còn khá non trẻ. Tính đến cuối quý III năm nay, Roblox đã có đến 47 triệu người dùng thực mỗi ngày.
Tuy nhiên, khoảng 70% người dùng của Zepeto là nữ giới trong độ tuổi 13 – 24, một tỷ lệ khá hiếm trong thế giới metaverse chủ yếu thu hút game thủ nam giới. Do vậy, Zepeto có điểm mạnh riêng, có triển vọng tạo ra một thị trường trực tuyến. Khoảng 1,5 tỷ món đồ thời trang ảo đã được bán trên Zepeto. Những món đồ này được sáng tạo độc lập và thường có giá khoảng dưới vài đô một món.
Những hãng thời trang lớn như Gucci, Dior và Ralph Lauren, cũng đã giới thiệu các bộ sưu tập thời trang ảo trên Zepeto. Ca sỹ Selena Gomez hay nhóm nhạc nữ Blackink cũng bán các món hàng độc quyền và tổ chức họp fan hâm mộ trong nền tảng.
Định giá 1 tỷ USD cho nền tảng non trẻ
Mảng thời trang cao cấp hoạt động nhộn nhịp của Zepeto khiến cho Giám đốc chiến lược của Naver Z Corp nói: “Chúng tôi có lẽ là thị trường thời trang ảo lớn nhất thế giới”, theo WSJ.
Người dùng Zepeto chủ yếu từ Trung Quốc và Indonesia, mặc dù cũng có người xem tại Mỹ, Brazil, Nhật Bản và quê hương Hàn Quốc. Nền tảng có thể khai thác hướng đến đối tượng Gen Z trên toàn cầu (sinh ra vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000), công nghệ tạo avatar và dự kiến phát triển đầu tư vào lĩnh vực game.
Tuy nhiên, hiện tại nguồn thu của người chơi Zepeto chủ yếu từ thời trang. ZDE, nhà tạo mốt 28 tuổi ở Hàn Quốc kiếm được 8.500 USD mỗi tháng nhờ bán quần áo điện tử trên nền tảng. “Đầu tiên tôi kinh doanh trên Zepeto là phụ, nhưng hiệu quả quá nên sắp tới tôi sẽ nghỉ việc để dành toàn thời gian thiết kế sản phẩm cho Zepeto”, ZDE cho biết.
Người dùng Zepeto cho rằng nền tảng là cơ hội hiếm có để giao du với mọi người từ mọi nơi trên thế giới, chẳng hạn như chụp ảnh selfie với ngôi sao K-pop hay mua áo hiệu Gucci. “Tôi chẳng bao giờ có thể mặc những thứ đồ của Blackpink trong đời thực. Nhưng nhân vật Zepeto của tôi thì có thể. Tôi thực sự thích phần ăn mặc”, theo Monica Louise.
Giới đầu tư dồn tiền vào metaverse
Các công ty công nghệ toàn cầu đang đầu tư hàng tỷ USD và tung ra các sản phẩm mới phục vụ cho thế giới kỹ thuật số metaverse mới nổi.
Facebook đã đổi tên thành Meta, thông báo đầu tư tập trung vào các công nghệ thực tế ảo và tăng cường. Microsoft công bố các công cụ phần mềm mới để tăng tính tương tác cho các cuộc họp trong metaverse. Giá cổ phiếu của Nvidia và Advanced Micro Devices - những công ty cung cấp chip quan trọng cho cơ sở hạ tầng metaverse, tăng vọt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, phải đến năm 2025 metaverse mới định hình. Đây là thời điểm các quỹ đầu tư mạo hiểm mạnh tay rót vốn cho xu hướng công nghệ Internet thế hệ mới.
Quỹ SoftBank Vision Fund 2 định giá Zepeto lên đến hơn 1 tỷ USD. Ngoài 150 triệu USD đầu tư từ SoftBank, nền tảng còn nhận được một khoản đầu tư khác trị giá 41 triệu USD cho định giá tương tự từ một nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc, trong đó có HYBE – công ty quản lý nhóm nhạc BTS.
SoftBank tham gia vào đợt huy động vốn Series B của Zepeto ngay sau khi tập đoàn đầu tư này dẫn đầu vòng tài trợ 93 triệu USD cho The Sandbox – một nền tảng trò chơi metaverse khác trụ sở tại Hồng Kông dựa trên công nghệ blockchain.
Thuật ngữ “Metaverse” được nhà văn Neal Stephenson tạo ra trong cuốn tiểu thuyết viễn tưởng Snow Crash năm 1992, Metaverse là một môi trường kỹ thuật số nhập vai, nơi con người có thể tương tác như đời thực.
Metaverse trong viễn cảnh đầy tham vọng của các ông lớn công nghệ là sự kết hợp giữa con người và thiết bị thực tế ảo tăng cường (AR) diễn ra trong một “vũ trụ ảo” siêu việt, nơi mỗi cá nhân đều có hiện diện số (avatar) riêng biệt. Bất kể người dùng đang ở trên nền tảng (social platform) nào, họ đều có thể mang avatar và tài sản của mình dạo lướt mượt mà trong các không gian số được chia sẻ: cùng nhau làm việc, xem phim, tham dự các buổi hòa nhạc hoặc thử quần áo trong cửa hàng, giống như cách vẫn làm trong thế giới thực.