Trong báo cáo công bố ngày 8 tháng 11, Softbank cho biết họ chịu lỗ trong quý II/2021 sau khi quỹ Vision thiệt hại 10 tỷ USD. Nguyên nhân của đợt giảm phần lớn đến từ việc các danh mục đầu tư công nghệ tại Trung Quốc bị sụt giá do các quy định mới từ chính quyền Bắc Kinh.
Cụ thể, Softbank lỗ ròng 3,5 tỷ USD so với lợi nhuận 5,53 tỷ USD ghi nhận một năm trước đó. Tập đoàn đã phải huy động vốn bằng cách bán bớt cổ phần tại các công ty như Uber Technologies và công ty vận chuyển thực phẩm DoorDash.
Softbank đã trả lại 9,8 tỷ USD cho các nhà đầu tư và đang tập trung đầu tư thông qua quỹ Vision 2 với 40 tỷ USD vốn cam kết từ SoftBank và nhà sáng lập Masayoshi Son. Tính đến cuối quý II, quỹ Vision 2 đã giải ngân được 33,5 tỷ USD thông qua 157 khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Ngay cả khi giá trị tài sản sụt giảm, tập đoàn Nhật Bản tuyên bố cổ phiếu Softbank vẫn đang bị định giá thấp và họ sẽ chi 9 tỷ USD để mua lại 15% cổ phần.
Giám đốc điều hành tập đoàn, ông Masayoshi Son thừa nhận hoạt động kinh doanh đầu tư đang gặp khó khăn. "Chúng tôi đang ở giữa bão tuyết. Tôi không tự hào về kết quả hoạt động tại quỹ Vision. Tuy nhiên, tập đoàn đang có những bước đi vững chắc để gấp đôi số lượng các khoản đầu tư "đẻ trứng vàng" so với năm ngoái", Son nói trong một cuộc họp báo.
Tài sản lớn nhất của Softbank - công ty thương mại điện tử Alibaba đã giảm 1/3 giá trị trong quý II/2021. Ngoài ra, cổ phần Softbank nắm giữ tại tập đoàn xe ôm Didi cũng chỉ được định giá 7,5 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 12 tỷ USD trước đó.
Không chỉ tại Trung Quốc, Softbank cũng gặp khó tại Hàn Quốc khi nhà bán lẻ trực tuyến địa phương Coupang cũng mất 1/3 giá trị trong cùng kỳ.
Trước đây, tỷ phú Son từng tuyên bố giá trị tài sản mới là thước đo chính để đánh giá hiệu suất hoạt động, thay vì lợi nhuận. Thế nhưng đáng buồn là giá trị tài sản thuộc Softbank nắm giữ đã giảm 23% xuống còn 187 tỷ USD từ tháng 6 đến tháng 9.
Sau các thất bại tại đại lục và Hàn Quốc, các chuyên gia nhận định tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của quỹ Vision phụ thuộc vào danh mục đầu tư tại Ấn Độ với công ty chia sẻ xe Ola và công ty hậu cần Delhivery.
Ngoài ra, việc Grab (Singapore) chuẩn bị niêm yết thị trường công khai thông qua SPAC cũng sẽ giúp tăng giá trị cho tập đoàn Nhật Bản.