Ngày pháp luật

Mất nhiều nhân sự chủ chốt, Softbank vẫn chốt giao dịch với tốc độ chóng mặt trong năm nay

Như Quỳnh

Nhiều nhân sự cấp cao tại quỹ Vision đã rời đi do không muốn đứng sau cái bóng quá lớn của người sáng lập Softbank - Masayoshi Son.

Masayoshi Son đã đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong năm nay. Theo Bloomberg, danh mục đầu tư của quỹ Vision 2 đã tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng chưa đầy 9 tháng. 

Cắt giảm nhân viên nhưng tốc độ giao dịch vẫn tăng chóng mặt

Người sáng lập Softbank đã chốt tới 115 thương vụ trong năm nay. Con số này nhiều hơn tổng số giao dịch mà quỹ Vision 1 đã thực hiện kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2017. Có vẻ như ông Son vẫn tự tin vào khả năng đầu tư bất chấp thất bại gần đây với WeWork hay Greensill. 

Tốc độ thực hiện giao dịch nhanh khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, liệu Son có mạo hiểm hay không, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhân sự cao cấp ở quỹ Vision rời đi. Kể từ tháng 3 năm ngoái, đã có tới 7 quản lý quỹ nghỉ việc. Gần đây nhất, vào cuối tháng 9, Deep Nishar, đối tác quản lý cấp cao chuyên về AI tại quỹ Vision cho biết ông sẽ rời đi vào cuối năm nay. 

Nhiều người cho rằng sự độc đoán của Masayoshi Son là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhân tài rời bỏ Softbank. Ảnh: Bloomberg.
Nhiều người cho rằng sự độc đoán của Masayoshi Son là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhân tài rời bỏ Softbank. Ảnh: Bloomberg.

Các hồ sơ cho thấy tổng số nhân viên tại Softbank Investment Advisers - đơn vị giám sát cả 2 quỹ Vision giảm từ khoảng 500 người vào đầu năm ngoái xuống còn 400 người. Nguồn tin nội bộ khẳng định, một số nhân sự cao cấp rời đi vì cho rằng tầm ảnh hưởng của Masayoshi Son quá lớn, khiến họ không có nhiều quyền điều hành thực sự tại quỹ. 

Không dừng lại ở đó, cơ cấu lương thưởng tại quỹ Vision cũng gây ra nhiều căng thẳng. Nhiều giám đốc chỉ nhận tiền hoa hồng ít ỏi mặc dù có công giới thiệu nhiều startup thành công cho Son. 

Tăng tốc để kịp cạnh tranh với đối thủ

CB Insights cho biết, nguồn vốn rót vào các startup toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 156 tỷ USD chỉ trong quý II. Trong bối cảnh đầu tư mạo hiểm đang là cơn sốt khắp toàn cầu, Softbank chắc chắn không thể đứng ngoài xu hướng. 

Masayoshi Son đã tăng số vốn phân bổ cho quỹ Vision 2 từ 10 tỷ USD vào đầu năm lên 40 tỷ USD vào tháng 6. Vị tỷ phú nổi tiếng cũng có kế hoạch đầu tư tới 2,6 tỷ USD tiền cá nhân vào quỹ. 

"Có lo ngại rằng sự cạnh tranh từ các nhà đầu tư khác đang đẩy định giá các start-up tăng cao, đồng nghĩa với việc Softbank thu về ít lợi nhuận hơn. Bên cạnh đó, khi bạn đầu tư vào 30 hoặc 40 công ty trong một khung thời gian hạn hẹp như vậy, chất lượng thẩm định giá sẽ bị ảnh hưởng", Kirk Boodry, một nhà phân tích tại Redex Research nhận định. 

Quỹ vision 2 đang đầu tư nhanh gấp 2 lần so với người anh em Vision 1. Nguồn: Softbank, Bloomberg.
Quỹ vision 2 đang đầu tư nhanh gấp 2 lần so với người anh em Vision 1. Nguồn: Softbank, Bloomberg.

Theo Bloomberg, Softbank đang tăng tốc đầu tư một phần vì sự cạnh tranh ngày càng tăng từ đối thủ cùng ngành. Trước đây, tập đoàn Nhật Bản mất 1 tháng để đưa ra quyết định và thuê nhiều công ty tư vấn lớn như McKinsey & Co., Bain & Co. và Boston Consulting Group Inc. để giúp đánh giá. 

Hiện tại, Softbank chỉ mất tối đa 2 tuần và quy trình thẩm định rút gọn đáng kể, tuy nhiên quy mô giao dịch lại nhỏ hơn trước. Trung bình mỗi đợt rót vốn của quỹ Vision 2 trong năm nay rơi vào khoảng 330 triệu USD - bằng 1/2 so với quỹ Vision 1.

Cách đây vài năm, quỹ Vision 1 gây xôn xao với giao dịch tới hàng tỷ USD như Didi Chuxing (hơn 10 tỷ USD), Uber Technologies (7,7 tỷ USD) và WeWork (4,4 tỷ USD). Trong khi đó, quỹ Vision 2 mới chỉ thực hiện 3 khoản đầu tư trên 1 tỷ USD, trong đó có KE Holdings (1,3 tỷ USD).

Tiếp tục đầu tư vào AI thông qua quỹ mới

Ngoài hai quỹ Vision, SoftBank thành lập quỹ châu Mỹ Latinh trị giá 5 tỷ USD và đầu tư cho 48 công ty kể từ khi thành lập vào tháng 3/2019. Hồi đầu tháng 10, Son cũng đã rót thêm 3 tỷ USD cho quỹ. 

Coupang - công ty thương mại điện tử Hàn Quốc được quỹ Vision 2 đầu tư hiện được định giá hơn 100 tỷ USD. Ảnh: Pulse New Korea.
Coupang - công ty thương mại điện tử Hàn Quốc được quỹ Vision 2 đầu tư hiện được định giá hơn 100 tỷ USD. Ảnh: Pulse New Korea.

Tại cuộc họp báo cáo thu nhập mới nhất vào tháng 8, tỷ phú Son tuyên bố danh mục đầu tư Softbank nắm giữ có tổng cộng hơn 300 công ty thông qua 3 quỹ khác nhau. Ông khẳng định tập đoàn vẫn giữ nguyên chiến lược đầu tư là ủng hộ start-up dựa vào trí tuệ nhân tạo và thay đổi hoạt động kinh doanh truyền thống. 

“Tôi thực sự tin AI sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp. Với tư cách là nhà đầu tư vào lĩnh vực AI suốt 4 năm qua, tôi tin Softbank đang hoạt động một cách hiệu quả”, ông Son phát biểu tại cuộc họp. 

Trong khi quỹ Vision 1 tập trung đầu tư vào các dịch vụ gọi xe và chia sẻ văn phòng, quỹ Vision 2 hỗ trợ nhiều công ty đa dạng hơn. Các công ty khởi nghiệp tiêu dùng chiếm 22% danh mục đầu tư của Vision 2 tính đến cuối tháng 6. Đứng thứ 2 là lĩnh vực hậu cần với 20% trong khi ngành fintech chiếm 16%. 

Tin Cùng Chuyên Mục