Dù rất tất bật chỉ huy công nhân tát cá cung cấp cho một công ty chế biến thủy sản ở Tiền Giang, ông Võ Thanh Vân, 61 tuổi ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng vẫn tranh thủ thời gian trao đổi cùng chúng tôi.
Ông Vân nói vui: "Cá rô phi đơn tính hay được người nuôi nói kiểu bình dân là cá rô phi toàn đực. Tôi chọn mô hình này bởi qua nghiên cứu cho thấy, nuôi cá rô phi đơn tính cho năng suất rất cao, giá bán ổn định, có tiềm năng chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, hộ nuôi còn được các công ty đến đặt hàng, cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm".
Riêng chuyện nuôi toàn cá "đực", ông Vân giải thích: Cá "đực" không sinh sản, khả năng đề kháng dịch bệnh mạnh hơn nhiều so với con cái, tỷ lệ tăng trưởng nhanh hơn, độ đạm cao hơn và giá bán cũng cao hơn từ 20% đến 30%.
Tuy nhiên, nuôi cá toàn "đực" cũng đòi hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc rất bài bản thì mới thành công. Bản thân ông cũng đã từng có kinh nghiệm nuôi nhiều loại thủy sản khác nhau nên sau khi nghiên cứu các yếu tố cần thiết, ông mới bắt đầu thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính.
Ðầu tiên là khâu chuẩn bị 11 ao nuôi với diện tích mỗi ao khoảng 3.000 - 4.000m2, có ao diện tích lên đến 7.000m2 được ông gia cố đê bao rất kiên cố cùng với hệ thống lắng lọc, xả thải nước một cách liên tục để đảm bảo nguồn nước luôn an toàn và thả nuôi vụ đầu tiên vào tháng 9/2019.
Ông áp dụng quy trình nuôi cá 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cá rô phi đơn tính giống có kích cỡ từ 3.000-4.200 con/kg được đưa vào ao riêng để nuôi với chế độ chăm sóc đặc biệt.
Giai đoạn 2, khi cá rô phi đơn tính có trọng lượng từ 50-60 con/kg sẽ được chuyển sang ao lớn và chế độ chăm sóc, cho ăn khác hơn.
Không những vậy, ông Vân còn chế biến thành công chế phẩm hữu cơ vi sinh bả bùn mía (VTV) đã được các cơ quan kiểm định và đánh giá chất lượng cao, cho phép lưu hành trên thị trường.
Bản thân ông đã dùng VTV để làm sạch môi trường ao nuôi cá rô phi đơn tính của mình rất thành công, hạn chế dịch bệnh và độ hao hụt của thủy sản thả nuôi.
Ông Nguyễn Văn Khôi, ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), cho biết: "Từ trước tới nay chỉ thấy người ta nuôi cá rô phi ở vùng nước ngọt chớ đâu thấy ai nuôi ở vùng nước mặn như ở huyện Long Phú này. Vậy mà ông Vân nuôi rất thành công. Vì vậy có nhiều người tới gặp ông Vân để học hỏi cách làm ăn".
Ông Vân chia sẻ: Cá rô phi đơn tính phát triển tốt trong vùng nước lợ lẫn nước ngọt, nhưng đòi hỏi chế độ chăm sóc và thức ăn phù hợp.
Cá rô phi có thể chịu đựng, thích nghi ở nguồn nước có độ mặn dưới 5/1.000. Ðây là lợi thế rất lớn cho các vùng đất bị nhiễm mặn trong mức độ cho phép.
Ông Võ Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Nuôi cá rô phi đơn tính là mô hình mới rất hiệu quả, phù hợp với tất cả diện tích mặt nước, đặc biệt vùng nuôi thủy sản nước mặn của Sóc Trăng như: Trần Ðề, Long Phú, Vĩnh Châu. Chúng tôi đang triển khai mô hình này đến với bà con để đa dạng hóa đối tượng nuôi".
Link bài gốc