Theo Gemadept, động thái này nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông, khi thị giá cổ phiếu GMD được cho là chưa phản ánh đúng giá trị thực và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài liệu, Gemadept cũng đã thông qua việc gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, chậm nhất vào ngày 30/6/2025.
Chủ trương mua lại cổ phiếu được đưa ra sau giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những phiên điều chỉnh sâu từ ngày 3/4 đến 9/4, chủ yếu do tâm lý lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cổ phiếu GMD cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, ghi nhận mức giảm tới 25% trong giai đoạn này, từ 56.300 đồng/cổ phiếu xuống còn 42.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch ngày 10/4, cổ phiếu GMD đã bật tăng trở lại mạnh mẽ, đóng cửa ở mức giá trần 45.150 đồng/cổ phiếu với khối lượng dư mua giá trần đáng kể, hơn 2,6 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu điều chỉnh sâu cũng kích hoạt hành động mua vào từ chính đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Gemadept. Theo thông tin đăng ký giao dịch, từ ngày 15/4 đến ngày 15/5, có tới 9 lãnh đạo và người có liên quan đã đăng ký mua vào tổng cộng 7,5 triệu cổ phiếu GMD. Ước tính theo thị giá tại thời điểm đăng ký, tổng giá trị lượng cổ phiếu này lên tới hơn 338 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Nhân và Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Bình cùng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu mỗi người, các lãnh đạo khác đăng ký mua từ 500.000 đến 1 triệu cổ phiếu. Động thái này phần nào thể hiện niềm tin của ban lãnh đạo vào triển vọng của công ty.
Giải đáp những lo ngại về tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, Gemadept cho biết, tỷ trọng hàng hóa đi Mỹ tại các cảng chủ lực như Nam Đình Vũ hiện chỉ chiếm dưới 10% và tại cảng nước sâu Gemalink là dưới 20%. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro trực tiếp. Hơn nữa, ngay trong tháng 4/2025, Gemalink đã chủ động đón thêm 4 tuyến dịch vụ mới kết nối đến các thị trường châu Âu, Canada và Brazil, qua đó đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Gemadept cũng nhận định, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới sẽ là cơ hội để thúc đẩy giao thương khu vực Nội Á. Công ty định hướng nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, củng cố vững chắc vị thế tại các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và khối ASEAN.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và đón đầu cơ hội, Gemadept đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng công suất. Dự kiến, giai đoạn 3 của cảng Nam Đình Vũ sẽ được đưa vào khai thác từ quý 4/2025, nâng tổng công suất toàn cụm cảng lên 2 triệu TEU/năm (năm 2024, cụm cảng này đã khai thác vượt công suất thiết kế với 1,3 triệu TEU). Tại khu vực phía Nam, dự án Gemalink giai đoạn 2 cũng đang được triển khai, mục tiêu nâng tổng công suất lên 3 triệu TEU/năm (so với mức khai thác 1,75 triệu TEU năm 2024).
Với vị thế là doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái tích hợp Cảng và Logistics hàng đầu, Gemadept khẳng định chiến lược tiếp tục linh hoạt ứng phó với các thay đổi của thị trường, chính sách thương mại, đồng thời chủ động mở rộng mạng lưới đối tác, làm phong phú hệ sinh thái và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án hạ tầng logistics trọng điểm quốc gia như cảng Nam Đồ Sơn, trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, cùng các dự án phát triển đồng tâm khác.