Chiều 13/11, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật Cư trú (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, trong đó sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Trong đó, Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú và quyền của công dân về cư trú. Đồng thời, Luật Cư trú (sửa đổi) bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
Về thủ tục đăng ký thường trú, luật quy định người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú, trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Cơ sở dữ liệu về cư trú được Bộ Công an thống nhất quản lý. Chính phủ quy định chi tiết việc xây dựng, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Luật Cư trú số 81/2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2013 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.