Do vậy, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế... trước ngày nghị định này ban hành vẫn tiếp tục được sử dụng đến 30/6/2022.
Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày 19/10 đến ngày 30/6/2022 sẽ áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 dưới sự hướng dẫn của cơ quan thuế.
Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn thì phải thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03 theo Nghị định 123 cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Nghị định nêu rõ, cơ quan thuế xây dựng dữ liệu hóa đơn của các cơ sở kinh doanh chưa đủ điều kiện để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn... sẽ được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in sau ngày 1/7/2022.
Nghị định 123 giải quyết những lo ngại gần đây của nhiều doanh nghiệp. Trước đó, nhiều đơn vị lúng túng khi cơ quan thuế mỗi địa phương hướng dẫn một kiểu, khiến doanh nghiệp không biết việc "khai tử" hóa đơn giấy để chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử sẽ áp dụng từ ngày 1/11/2020 (theo quy định của nghị định 119, ban hành năm 2018) hay từ ngày 1/7/2022 (theo Luật quản lý thuế mới).
Tổng cục Thuế cho biết tính đến hết tháng 8, cả nước có khoảng 300.000 doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử, chưa kể hơn 300 doanh nghiệp đã phát hành hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Riêng tại TP HCM, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử tính đến 30/9 đạt 126.516 doanh nghiệp, tương đương 62,21% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có sử dụng hóa đơn.