Ngày 30/6/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản số 4201/UBCK-QLCB chấp thuận cho SHB phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.
Trước đó, SHB cũng đã nhận được văn bản của NHNN về việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Sau khi thực hiện 2 phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 30.674 tỷ đồng lên mức 36.645 tỷ đồng, duy trì vị trí Top 5 Ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Trên cơ sở đó, HĐQT SHB đã có Nghị quyết về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 là ngày 25/07/2023.
Việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính kinh doanh của ngân hàng, tăng khả năng cạnh tranh của SHB trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, và đặc biệt đáp ứng các lợi ích kỳ vọng của cổ đông.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của SHB thu nhập lãi thuần tăng đến 38% so với cùng kỳ, đạt gần 5.844 tỷ đồng.
Trong kỳ, SHB ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 41% lên 222 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng hơn 2 lần lên hơn 64 tỷ đồng. SHB không ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh trong quý này. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư bất ngờ giảm mạnh từ gần 66 tỷ của cùng kỳ năm trước xuống còn vỏn vẹn 988 triệu động và lãi thuần từ hoạt động khác cũng theo đà giảm mạnh từ 209 tỷ xuống còn gần 70 tỷ đồng.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý I/2023 là dù SHB tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng vẫn báo lãi cao kỷ lục. Cụ thể, SHB trích gần 1.374 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng tới 191% so với cùng kỳ, tương ứng cao gấp gần 3 lần. SHB vẫn đạt lãi trước thuế đạt hơn 3.619 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.881 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, SHB có 2 phương án kinh doanh tương ứng với 2 hai kịch bản hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong đó, cả 2 phương án của SHB đều đặt mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ. Với kết quả đạt được trong quý I, SHB đã thực hiện được khoảng 35% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản tại ngân hàng đạt 570.193 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm 22%, còn 1.478 tỷ đồng), tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 16%, đạt 17.537 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 12% còn 46.085 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 6%, đạt 408.529 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 6,6% với 11.567 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng từ 1.611 tỷ lên 2.033 tỷ; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng từ 1.898 tỷ lên 2.542 tỷ và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm từ 7.342 tỷ xuống 6.991 tỷ đồng. Kéo theo ỷ lệ nợ xấu nhích từ mức 2,81% lên 2,83%.
Được biết trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, SHB cho biết nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2022 tăng mạnh nên trong năm 2023 ngân hàng đã đề ra mục tiêu trọng tâm là xử lý thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5, giá cổ phiếu SHB giảm 1,34% so với phiên giao dịch liền kề, hiện đang ở mức 11.050 đồng/ cổ phiếu.