Ngày pháp luật

SHB sắp có cổ đông chiến lược, mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ

Quỳnh Chi

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết ngân hàng này đang đàm phán với nhiều đối tác lớn và có thể sẽ chốt cổ đông chiến lược vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Chiều ngày 11/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 tại khách sạn Melia, Hà Nội.

SHB sắp có cổ đông chiến lược, mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ - Ảnh 1

Theo báo cáo thẩm tra tư cách cổ đông, cuộc họp có sự tham dự của 771 cổ đông, sở hữu hơn 2 tỷ cổ phần, tương đương 66,25% cổ phần có quyền biểu quyết. Trong đó, có 447 cổ đông tham dự trực tiếp, số còn lại là ủy quyền tham dự.

Sắp có cổ đông chiến lược

Trong số các nhà băng trên thị trường, SHB là cái tên hiếm hoi trong nhóm ngân hàng tư nhân vẫn chưa có cổ đông chiến lược, room ngoại còn tới hơn 20%. Việc tìm kiếm một cổ đông nắm giữ 15% vốn của ngân hàng là điều được cổ đông SHB đề xuất liên tục nhiều năm nay.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cho biết ngân hàng này trước nay được xem là "cô gái đẹp, có rất nhiều chàng trai, từ nhiều quốc gia, muốn kết hôn". Tuy nhiên, SHB luôn giữ quan điểm thận trọng vì muốn tìm đối tác chung thủy, có thể đi cùng ngân hàng trong dài hạn.

"Chiến lược của nhà băng là chọn đối tác có thể đi cùng trong dài hạn 15-20 năm, tham gia cùng ngân hàng trong cả việc quản trị điều hành, công nghệ, chứ không chỉ là đầu tư vốn", ông Hiển cho biết.

Tuy nhiên, lãnh đạo SHB thừa nhận sau khi tiếp xúc với nhiều đối tác, đa phần họ chỉ muốn đầu tư tài chính, đi cùng SHB trong ngắn hoặc trung hạn, khoảng 3-5 năm. Nhiều năm không chọn được đối tác chiến lược, nên năm nay, ông Hiển cho biết nhà băng này sẽ hạ tiêu chuẩn. Ông cho biết hiện ngân hàng đàm phán với một số tổ chức lớn và có thể sẽ "chốt một chàng rể" trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ

Tại cuộc họp, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông  kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 với 2 phương án tương ứng với 2 hai kịch bản hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, phương án 1 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 6,15% lên 10.285 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 8,93% lên 600.106 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 12,05% lên 456.180 tỷ đồng.

Phương án 2 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,67%, đạt 10.626 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 10,09% lên 606.500 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 tăng 14,78% lên 467.291 tỷ đồng.

Tại cả hai phương án, ban lãnh đạo ngân hàng đều đặt mục tiêu chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ là 15%.

Tính đến hết quý I/2023, tăng trưởng vốn của SHB đạt trên 8%, tăng trưởng tín dụng khoảng 6%, lợi nhuận ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, SHB dự kiến sẽ vốn điều lệ tăng 19,47% lên 36.645 tỷ đồng bằng phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động  (ESOP).

Theo đó, SHB dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 18%.

Tổng Giám đốc Ngô Thu Hà cho biết việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng cao khả năng cạnh tranh của SHB trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ phát hành 45,12 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu phổ thông phát hành cho người lao động sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 18 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, do Hội đồng quản quyết định sau khi ĐHĐCĐ thông qua và được sự chấp thuận của cơ quản lý Nhà nước.

Tin Cùng Chuyên Mục